Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thị trường truyền hình trả tiền trong nước vẫn phát triển ổn định, đồng thời vận động theo xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới.
Tính đến tháng 12/2021, có khoảng 16,8 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Với việc xuất hiện ngày càng nhiều thiết bị thông minh (smart tv, smartphone,...), thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang có sự dịch chuyển từ thói quen xem truyền hình trả tiền truyền thống sang truyền hình trên Internet (IPTV, OTT TV), cùng với đó là sự góp mặt của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, khiến cho mức độ cạnh tranh, sôi động của truyền hình trả tiền tăng lên mạnh mẽ. Dịch vụ VOD (truyền hình video theo yêu cầu) cũng được nhận định sẽ phát triển mạnh, do đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần chuẩn bị về nội dung, nhất là nội dung phục vụ giới trẻ.
Giai đoạn tới, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06 năm 2016 làm cơ sở cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ OTT TV, VOD, đặc biệt là OTT TV, VOD xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần nghiên cứu đổi mới, cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng và phong phú nội dung, đồng thời phối hợp chặt chẽ cơ quan quản lý Nhà nước để theo dõi, phát hiện vi phạm, làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp doanh nghiệp. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường truyền hình trả tiền để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các sở thông tin - truyền thông phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý của Bộ Thông tin - Truyền thông để nâng cao công tác quản lý tại địa phương…
Tại Hội nghị, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã tiến hành tổng kết công tác công tác phối hợp nhiệm kỳ 2016-2021 và ra mắt Ban Chấp hành Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.
Từ các kiến nghị của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình, đơn vị quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn.
Gửi phản hồi
In bài viết