Mùa giải năm nay tiếp nhận gần 800 tác phẩm dự thi, nhiều nhất là ở loại hình báo điện tử, tiếp đến là báo in, báo hình và phát thanh. Ban tổ chức đã chọn được 85 tác phẩm vào vòng chung khảo. Từ những tác phẩm này, hội đồng chung khảo đề xuất 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 34 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu, 4 giải phụ.
Lễ trao giải được tổ chức vào sáng 18-11 tại Nhà hát lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2,
Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo đánh giá của ban tổ chức, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng cao. Đề tài đa dạng, phong phú. Giải thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Các tác phẩm đã phản ánh những vấn đề thời sự giáo dục như, đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển đổi số trong giáo dục, mô hình trường học an toàn, hạnh phúc…
Nhiều tác phẩm nêu những tấm gương thầy cô, nhà trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó cũng có tác phẩm phản biện các chính sách và hoạt động trong ngành để kiến tạo những giải pháp góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo đánh giá của ban tổ chức, năm nay, loại hình báo điện tử có nhiều loạt bài công phu từ 3-5 kỳ. Bài viết được trình bày dưới dạng mega story, e-magazine, longform... Nội dung một số tác phẩm được chuyển tải bằng hình thức mới mẻ và hấp dẫn khi kết hợp nhiều loại hình báo chí hiện đại, tương tác trực tiếp, tạo hiệu ứng thu hút bạn đọc.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Đánh giá về chất lượng giải báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam cho biết: Nhìn chung, các tác phẩm phản ánh khá toàn diện, đa chiều về giáo dục ở các cấp học. Qua các tác phẩm báo chí, những chuyển động của ngành giáo dục, những gì ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng cũng như vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, hạn chế… đến được với người dân, độc giả; từ đó xã hội hiểu hơn về ngành để cùng chia sẻ, đồng hành với ngành trong quá trình đổi mới còn nhiều khó khăn, thử thách.
Đây là năm thứ sáu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải.
Gửi phản hồi
In bài viết