“Làm tổ” cho không gian sáng tạo “cất cánh”
Từ nhiều năm nay, tốc độ tăng dân số của Hà Nội khá nhanh, mật độ dân số của Thủ đô cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước và tập trung ở khu vực nội đô. Sự gia tăng nhanh về dân số đã kéo theo áp lực cho cơ sở hạ tầng như giao thông, giáo dục, y tế..., trong đó có các không gian công cộng. Nhiều bài báo, phóng sự truyền hình, phát thanh đã lên tiếng báo động về tình trạng thiếu vắng các sân chơi cho thiếu nhi, không gian xanh, không gian công cộng cho người dân.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô, nhiều không gian văn hóa nghệ thuật của Hà Nội đã lần lượt “chào đời” như Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố bích họa Phùng Hưng, Không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân, Phố sách Hà Nội... Cùng với đó là sự phát triển chủ động của nhiều mô hình không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật đến từ các doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ... Có thể kể đến những cái tên như VICAS Art Studio, Hanoi Creative City, Heritage Space, Toong Coworking Space, Ơ kìa Hà Nội, Tổ chim xanh, Ra riêng...
Song, dù phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng thì cộng đồng yêu văn hóa sáng tạo đã nhiều lần phải tiếc nuối chia tay với các không gian mới mẻ này vì nhiều lý do, chủ yếu là không có cơ sở hạ tầng. Những ngày cuối tháng 1 năm nay, nhiều bạn trẻ đã vội vàng ghé qua khu biệt thự cũ đậm chất Hà Nội giữa không gian thoáng đãng và vườn cây xanh ngắt trong ngõ Thổ Quan (phố Khâm Thiên) để “check-in” tổ hợp Sixty Square (60s Thổ Quan) lần cuối trước khi nơi này chính thức đóng cửa. Sau hơn 3 năm mở cửa với chuỗi hoạt động như sự kiện âm nhạc, hội chợ, lửa trại, với các ki ốt bán hàng, quán cà phê đậm chất “vintage”, tiệm trà bánh thu hút giới trẻ..., Sixty Square đã dừng hoạt động vì phải trả lại mặt bằng.
Thư viện Heritage Space được thành lập từ năm 2014, có “thâm niên” trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn trước bài toán “định cư” khi đã vài lần phải chuyển địa bàn. Tương tự, không gian Úi Chà Trà của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, sau này là Ơ kìa Hà Nội, địa chỉ quen thuộc của biết bao người yêu văn hóa, yêu Hà Nội, cũng đã nhiều lần phải đổi địa điểm.
Chia sẻ về khó khăn trong hoạt động, hầu hết sáng lập viên của các không gian sáng tạo thường đề cập về hạ tầng và cơ chế. Giờ đây, Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có lĩnh vực không gian sáng tạo, đã trở thành mục tiêu quan trọng được thành phố đặt ra.
Nhiều cuộc tọa đàm mới đây đã được Thành ủy Hà Nội tổ chức với mong muốn nhận được ý kiến tham vấn, đề xuất từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức và cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Và hạ tầng là vấn đề được đề cập khá nhiều trong các ý kiến đóng góp với Hà Nội. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh gọi cơ sở hạ tầng là “cái tổ”, mà việc đầu tiên thành phố cần làm là xây “tổ” để cộng đồng sáng tạo được tập hợp, kết nối, cộng sinh.
Giải bài toán mặt bằng từ các di sản công nghiệp
Trong lời chia tay trên fanpage chính thức của tổ hợp 60s Thổ Quan có đoạn viết: “Phép màu nào đảm bảo về một mảnh đất có thể gọi là kim cương ngay trung tâm Thủ đô trao tay kẻ mộng mơ vẽ trò mơ mộng tháng ngày dài rộng? Phép màu nào biến những nỗ lực lưu giữ giá trị tinh thần nhỏ bé từng ngày nơi đây thành một sức mạnh kinh tế đủ lớn để thoát khỏi quy luật bấp bênh của kẻ trọ trần gian?”.
Quả thật, cộng đồng sáng tạo là những người rất mộng mơ, bởi nếu không vì quá yêu văn hóa và vì muốn chia sẻ những giá trị văn hóa với cộng đồng thì khi đứng trước bài toán kinh tế, họ khó có thể tiếp tục con đường đã chọn. Xây dựng khu tổ hợp Complex 01 trên nền xưởng in cũ của Công ty In Công đoàn Việt Nam tại ngõ 167 phố Tây Sơn (quận Đống Đa), kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ chia sẻ về sự đầu tư mạo hiểm của mình khi hợp đồng hợp tác đầu tư chỉ ký có 2 năm, trong khi tất cả các thủ tục về cấp phép, xây dựng, phòng cháy chữa cháy... mất đến gần 9 tháng.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, rủi ro về thuê mặt bằng là khá cao đối với cộng đồng sáng tạo. Một tổ hợp như 60s Thổ Quan hay Complex 01 không thể tiếp tục hoạt động sẽ kéo theo nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác trong lòng nó phải đi tìm nơi an cư mới, trong khi thực tế một mái nhà có thể đáp ứng yêu cầu cho không gian sáng tạo lại không dễ dàng tìm được. Cũng như Zone9 trước kia hay 60s Thổ Quan vừa “giải thể”, Complex 01 ngay khi bắt đầu hoạt động đã nhanh chóng trở thành địa điểm được ưa thích của giới trẻ. Giữ lại những nét riêng của kiến trúc nhà máy cũ với cửa sổ vòm kính, tường gạch đỏ thô ráp, cánh cửa sắt nặng, bậc thang kim loại, tấm băng rôn “Máy in màu số 2 phấn đấu vượt chỉ tiêu sản lượng 35.000 tờ in/ca” và cả cây xoài do vị giám đốc đầu tiên của nhà máy cũ trồng, Complex 01 pha trộn giữa vẻ đượm màu thời gian song song với những mảng màu hiện đại. Ưu điểm của Complex 01 so với nhiều không gian sáng tạo khác là có diện tích rộng, vị trí ngay trung tâm, nhờ thế nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, các hội chợ thủ công, các liveshow âm nhạc, giới thiệu cổ phục... đã được tổ chức và thu hút được đông đảo người tham dự.
Phải chăng sự thành công của Complex 01 có thể là lời giải cho bài toán tìm “tổ” cho không gian sáng tạo ở Hà Nội được phát triển? Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô thành phố. Thay vì biến những khu đất vàng ấy trở thành các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại, theo Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Phạm Thúy Loan, các nhà máy này hoàn toàn có thể trở thành di sản công nghiệp. Trên thế giới từng có nhiều mô hình chuyển đổi nhà máy trở thành di sản hết sức thành công.
Trong lòng Hà Nội có rất nhiều nhà máy cũ có không gian rộng, kiến trúc đẹp, độc đáo, hiện đại. Đặc biệt, nhiều nhà máy trong số đó gợi nhớ về những hình ảnh của Hà Nội một thời như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà, Khu “Cao - Xà - Lá”... Đó là những dấu ấn văn hóa mà những không gian nhà máy cũ đã lưu giữ theo năm tháng tồn tại và phát triển. Bảo tồn di sản công nghiệp ấy, “thổi hồn” sáng tạo trên nền di sản nhà máy ấy sẽ vừa tạo ra các không gian văn hóa nghệ thuật phục vụ người dân, vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách, vừa lưu giữ được một phần giá trị lịch sử, kiến trúc của công trình nhà máy, tạo nét đặc trưng riêng cho khu dân cư. Việc bảo tồn không nhất thiết phải giữ nguyên trạng, mà tùy theo từng công trình để bảo tồn một phần hay nguyên trạng.
Ngoài Complex 01, Hà Nội từng có những nhà máy cũ nay đã trở thành các không gian văn hóa như Trung tâm Văn hóa Pháp ở phố Tràng Tiền vốn trước đây là xưởng in của Báo Nhân dân; tổ hợp Zone 9 (cũ) ở phố Trần Thánh Tông được cải tạo từ một cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2; “quận nghệ thuật” Hanoi Creative City ở phố Lương Yên “xây” trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long, 282 Design ở phố Phú Viên xưa kia là nhà máy sản xuất mũ cối. Thay vì bị bỏ hoang, bị xuống cấp và không còn giá trị sử dụng, các không gian nhà máy cũ đã mở ra cơ hội cho cộng đồng sáng tạo tiếp tục những câu chuyện văn hóa của thành phố.
Hà Nội có đến gần một trăm nhà máy, xí nghiệp cần di dời. Chuyển đổi không gian nhà máy, xí nghiệp ấy thành hạ tầng cho khởi nghiệp sáng tạo sẽ là một nguồn lực lớn để thành phố thực hiện nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Gửi phản hồi
In bài viết