Trong mùa dịch, nhiều đơn vị sản xuất và cung ứng nông sản đã đẩy mạnh kênh mua bán trực tuyến, giúp khách hàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Những ngày này, cùng với việc cung ứng nông sản ở cửa hàng OCOP tại phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), chị Phúc Thị Lan Hương còn tăng cường hình thức kinh doanh qua mạng để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Chị Hương cho biết: Dù nông sản là mặt hàng thiết yếu nhưng dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách hàng trực tiếp tiêu thụ nông sản như các nhà hàng giảm lượng khách; sản phẩm tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh, ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng. Vì vậy, việc đẩy mạnh mua bán Online đã tháo gỡ một phần khó khăn cho cửa hàng mùa dịch Covid-19. Thời gian tới, chị tiếp tục tập trung phát triển thêm kênh bán Online. Song song 2 loại hình kinh doanh cũng là xu thế tất yếu của thời đại 4.0.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm OCOP tại cửa hàng bán nông sản OCOP của chị Phúc Thị Lan Hương, tại phường Phan Thiết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nắm bắt tâm lý hạn chế ra đường của người tiêu dùng, thời điểm này không ít cửa hàng, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đã thay đổi cách thức bán hàng hoặc đẩy mạnh hình thức bán hàng Online để phục vụ khách hàng.
Trên trang Facebook “HTX Mật ong Phong Thổ”, xã An Khang (TP Tuyên Quang) liên tục đăng tải các bài quảng cáo sản phẩm như mật ong hương rừng, sữa ong chúa, phấn hoa… Các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc, đạt OCOP nên khách hàng yên tâm khi lựa chọn. Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX chia sẻ, kênh bán hàng Online đã giúp HTX tiếp cận được với nhiều khách hàng mới, đặc biệt phát huy hiệu quả trong mùa dịch. Vì thế, sản lượng bán ra vẫn đảm bảo trên 30 tấn mật ong, trên 1 tấn phấn hoa, tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Bán nông sản trực tuyến và giao hàng tận nơi đang là xu hướng tất yếu trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội. Loại hình này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống và sản xuất nông nghiệp.
Một hình thức nữa được nhiều đơn vị sản xuất lựa chọn, tìm hướng đó là liên kết để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green farm chia sẻ: Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến dưa lưới của đơn vị giảm giá gần 30% so với năm 2020 và lượng tiêu thụ cũng khó hơn. Trước đây, đơn vị trồng với số lượng ít cung cấp cho các cửa hàng hoa quả sạch gần như hết nhưng năm nay đầu tư thêm mấy nhà vườn, sản lượng gấp 3 lần, khoảng 7 tấn/vụ thu hoạch. Vì thế đơn vị đã liên kết với doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc để đưa vào cung ứng hệ thống siêu thị lớn mới tiêu thụ hết. “Lúc này mới thấy được hiệu quả của việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây chính là giấy thông hành để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thể hiện được cam kết của nhà sản xuất với người tiêu dùng” - Anh Lâm nói.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết: Trên 80 ha dưa chuột được trồng bởi trên 300 hộ nông dân các huyện Na Hang, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương đã và đang thu hoạch, hiện xuất bán được trên 2.000 tấn quả dưới hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm của HTX Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) liên kết với đơn vị ở Vĩnh Phúc. Đây cũng là chuỗi liên kết sản xuất của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện với HTX và nông dân. Đến nay, tình hình sản xuất tiêu thụ đã đi vào ổn định, giá thu mua đạt 5 nghìn đồng/kg tại ruộng.
Ông Nguyễn Văn Đoan, thôn Gò Gu, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, trong lúc đầu ra nông sản khó khăn trong thời điểm này thì sản phẩm dưa chuột trên 2 ha của ông trồng theo mô hình liên kết, bao tiêu ổn định với giá 5 nghìn/kg. Đây là hướng sản xuất người nông dân mong muốn nhất để nông sản không bị “được mùa mất giá”.
Theo định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân; tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước. Đồng thời, tiếp tục mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và đa dạng hóa sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết