Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi Salama tới chào xã giao nhân dịp Đại sứ nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam.
Năm nay, Quốc khánh Ai Cập đánh dấu kỷ niệm 71 năm cuộc cách mạng Ai Cập 23 tháng 7 năm 1952. Đây không chỉ là sự kiện định hình lịch sử chính trị Ai Cập hiện đại mà còn truyền cảm hứng cho các quốc gia khác ở các khu vực trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đấu tranh giành độc lập. Cộng hòa Ai Cập đầu tiên được thành lập sau đó để bắt đầu con đường hiện đại hóa, phát triển và công bằng xã hội ở Ai Cập.
Không lâu sau đó, trên tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc cùng khát khao độc lập và phát triển, Ai Cập và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1963. Năm nay hai nước sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc.
Trong những năm gần đây, tình hữu nghị giữa Ai Cập và Việt Nam đã thể hiện rõ nét đặc biệt về mặt chính trị thông qua các chuyến thăm lịch sử cấp nhà nước của Tổng thống Abdel Fattah El Sisi tới Việt Nam vào tháng 9/2017 và cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tới Ai Cập vào tháng 8/2018. Các chuyến thăm này đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, quân sự, nghị viện và văn hóa.
Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, quan hệ kinh tế giữa Ai Cập và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 600 triệu USD trong năm qua. Bên cạnh đó, Ai Cập và Việt Nam đã tích cực nối lại việc trao đổi các chuyến thăm song phương trong năm nay và Kỳ họp lần thứ 9 Tham vấn chính trị giữa hai nước đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2022. Hiện nay, hai nước đang phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ai Cập trong những tháng tới. Trong năm nay, chúng ta cũng phối hợp chặt chẽ để thu xếp các chuyến thăm cấp cao trao đổi giữa hai nước và cùng tổ chức các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ai Cập.
Trong số các lĩnh vực hợp tác giữa Ai Cập và Việt Nam, quan hệ văn hóa tiếp tục là một trụ cột rất quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước. Một số hoạt động chung đã diễn ra trong thời gian qua, bao gồm việc tích cực tham gia các lễ hội, sự kiện văn hóa do hai nước tổ chức; ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam chọn học tiếng Arab tại Ai Cập. Mối quan hệ này góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tình hữu nghị giữa hai dân tộc, đồng thời củng cố mối liên kết văn hóa giữa hai nước.
Ai Cập đã tổ chức Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) vào tháng 11/2022, nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mà thế giới phải đối mặt do biến đổi khí hậu và thảo luận về các cam kết khác nhau về vấn đề này. Đoàn đại biểu Việt Nam do Ngài Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường lúc bấy giờ (hiện là Phó Thủ tướng) dẫn đầu đã tham dự hội nghị rất quan trọng này.
Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ Ai Cập cũng đã khởi động một chương trình cải cách kinh tế thành công kể từ năm 2016, cùng với Tầm nhìn Ai Cập 2030 phản ánh kế hoạch chiến lược dài hạn của đất nước nhằm đạt được các nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực.
Ai Cập cũng đang chứng kiến sự phát triển thực sự trên nhiều lĩnh vực, với nhiều thành phố hiện đang được hình thành bên cạnh thủ đô hành chính mới và một mạng lưới đường bộ và đường hầm rộng lớn đã được xây dựng.
Ngoài ra, Ai Cập đã đưa ra nhiều sáng kiến quốc gia như "Một cuộc sống sung túc", góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân Ai Cập và dự án "Tương lai của Ai Cập" nhằm khai hoang và phát triển 1,5 triệu mẫu Anh ở Ai Cập.
Ai Cập cũng áp dụng hai chiến lược quốc gia trong lĩnh vực hydro và công nghiệp ô tô điện, và đã thành công trong chương trình liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo và các dự án kết nối điện với các nước láng giềng, bên cạnh việc phát triển các cảng và sân bay quốc tế, nội địa. Ngoài ra, Khu kinh tế Kênh đào Suez SCZONE đang đem đến môi trường kinh doanh thân thiện cho các nhà đầu tư, tạo nền tảng cho các kế hoạch phát triển quốc gia.
Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng Việt Nam về những thành tựu kinh tế-xã hội ấn tượng trong những năm gần đây, đồng thời tin tưởng rằng, Ai Cập và Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Gửi phản hồi
In bài viết