Tham gia đoàn có đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đoàn đã làm việc với UBND huyện Sơn Dương, giám sát thực tế tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, Trường Tiểu học và THCS Đông Thọ.
Huyện Sơn Dương hiện có 101 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện (giảm 8 đơn vị so với năm 2015). Huyện đã tiến hành dồn ghép 41 điểm trường lẻ thuộc các trường mầm non, tiểu học. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tinh giản 122 viên chức.
Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương sau khi sắp xếp tổ chức lại đã giảm được 8 đầu mối (từ 20 khoa, phòng còn 12 khoa, phòng). Trung tâm đã thực hiện tự chủ được 100% chi thường xuyên tại khối khám chữa bệnh, đời sống viên chức được nâng lên.
Đồng chí Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Lò Thị Việt Hà
phát biểu tại buổi giám sát.
Tuy nhiên khi thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc hợp nhất một số trường Tiểu học với trường THCS dẫn đến hoạt động của trường liên cấp gặp khó khăn trong hoạt động quản lý, chuyên môn. Huyện còn thiếu 170 giáo viên so với biên chế được giao. Trung tâm Y tế huyện còn thiếu 51 người so với chỉ tiêu được giao, nhưng chưa được tuyển dụng bổ sung. Số giường bệnh trung tâm được giao thấp so với tỷ lệ dân số của huyện…
Lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương và các đơn vị đã nêu nhiều kiến nghị với Đoàn giám sát như: Huyện được bổ sung biên chế, số lượng người làm việc đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Cấp có thẩm quyền sớm có cơ chế, chính sách thu hút bác sỹ, dược sỹ làm việc tại trạm y tế xã. Đồng thời, mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện đối tượng hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ để có nguồn hợp đồng làm việc đáp ứng nhu cầu dạy học của các trường.
Đồng thời, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho đơn vị đã được giao quyền tự chủ về tài chính giai đoạn 2022-2026 thực hiện tự chủ về nhân lực, chủ động hợp đồng lao động, bổ sung nhân lực cần thiết nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ thuật và các dịch vụ y tế phục vụ người bệnh.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang giám sát thực tế tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương.
Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn chi tiết bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm đối với nhóm chức danh nghề nghiệp y tế. Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhân lực cho tuyến y tế cơ sở và nâng mức phụ cấp cho trưởng trạm y tế xã, mức trực đêm cho nhân viên y tế, phụ cấp cho cán bộ y tế thôn, bản…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy đánh giá cao việc cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Dương đã quan tâm triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện.
Đồng chí đề nghị, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập đã được xác định cụ thể theo lộ trình giai đoạn 2024 - 2026; rà soát, xác định và xây dựng lộ trình cụ thể sắp xếp giảm 7 đơn vị sự nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Những kiến nghị của huyện sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật để tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Gửi phản hồi
In bài viết