Bài 1: Những cấp ủy viên a còng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“CÁI NGHỊ QUYẾT DỄ VÀO”

 

Đó là nhận xét của ông Hoàng Văn Xoan, Bí thư chi bộ thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) khi được nghe báo cáo viên Trung ương truyền đạt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh truyền đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII bằng hình thức trực tuyến.

Không chỉ ở Tân Trào, 100% các xã, thị trấn của huyện Sơn Dương đã tổ chức được hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Trong quá trình học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết, ngoài việc triệu tập thành phần tham gia học tập trực tuyến do Trung ương và tỉnh tổ chức, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chủ động kết nối đường truyền đến các chi, đảng bộ cơ sở. Việc làm này giúp việc số lượng cán bộ, đảng viên tham dự lớn với nhiều đối tượng được triệu tập và có sức truyền tải thông tin nhanh, rộng khắp, tính thời sự cao; đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí, phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay. Việc chỉ đạo quán triệt nghị quyết không qua các tầng nấc sẽ bảo đảm được tính thống nhất về nội dung cũng như tư tưởng chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị”.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức hội nghị trực tuyến đến tận cấp xã như Sơn Dương là giải pháp hữu hiệu để vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành việc quán triệt, học tập Nghị quyết hiệu quả.

Hội nghị trực tuyến tổng kết trao giải cuộc thi "Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng"
tại điểm cầu Tỉnh ủy Tuyên Quang.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh còn chỉ đạo tổ chức và dự sinh hoạt chi bộ, đảng bộ trực tuyến tại 18 điểm cầu của 18 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Việc tổ chức học tập nghị quyết trực tuyến và sinh hoạt chi bộ trực tuyến đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét về chất lượng tổ chức học tập nghị quyết, chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tại một số cuộc sinh hoạt chi bộ trực tuyến còn có Thường trực Tỉnh ủy dự, một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự. Chất lượng quán triệt học tập nghị quyết và sinh hoạt chi bộ, đảng bộ được nâng lên, quân số tham gia đầy đủ hơn. Công tác chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng hơn, thời gian tổ chức chính xác, không khí nghiêm túc hơn.

Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị để tham mưu với Đảng ủy tổ chức các hội nghị trực tuyến học tập nghị quyết Đại hội Đảng và tổ chức sinh hoạt trực tuyến. Anh trực tiếp đi kiểm tra camera, ti vi, màn chiếu, tăng âm, loa và các thiết bị khác mỗi khi tổ chức hội nghị trực tuyến. Anh bảo: “Đảng bộ Sở đã tổ chức được một hội nghị học tập Nghị quyết trực tuyến và 5 buổi sinh hoạt trực tuyến trong năm nay. Nếu như trước đây, chỉ có lãnh đạo của Sở được tham gia học tập nghị quyết tại tỉnh thì nay, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức của Sở đều được nghe, lĩnh hội báo cáo viên của Trung ương truyền đạt. Vì vậy thông tin khi tiếp nhận được đầy đủ hơn”. 

Trong tình hình dịch Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, học tập nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong toàn tỉnh đã góp phần sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Tại hội nghị kết nối trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn tỉnh có 29 điểm cầu, trong đó có 1 điểm cấp tỉnh, 8 điểm cấp huyện, 20 điểm cầu cấp cơ sở. Tỷ lệ đại biểu tham gia học tập đạt 96,6%.

Tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đề án của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh có 77 điểm cầu, trong đó có 1 điểm cấp tỉnh, 9 điểm tại cấp huyện, 67 điểm cầu tại các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia học tập đạt trên 96, 87%.

1- Kỹ thuật viên chuẩn bị thiết bị họp trực tuyến tại điểm cầu Tỉnh ủy.
2- Đại biểu dự tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
3- Lãnh đạo Sở Công Thương kiểm tra thiết bị trực tuyến.
4- Cán bộ, đảng viên xã Hợp Hoà (Sơn Dương) nghe quán triệt các đề án, chương trình thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII bằng hình thức trực tuyến.

Theo Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019 (do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tháng 6/2020), xếp hạng chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tuyên Quang năm 2019 là hạng thứ 36/63, trong đó chỉ số thành phần về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tỉnh Tuyên Quang năm 2019 vươn lên thứ hạng 27/63 tỉnh, thành phố.

Tri Phú là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa nhưng lâu nay đều nổi tiếng trong huyện, tỉnh do có gần 100% bí thư chi bộ, trưởng thôn tự trang bị máy tính xách tay để làm việc. Đồng chí Triệu Phúc Phương, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã có 14/14 thôn thì đến nay, hầu hết bí thư chi bộ, trưởng thôn đều tự trang bị máy tính xách tay để làm việc. Cán bộ, công chức xã cũng vậy.

 

Bí thư chi bộ thôn Tiến Thành 1 Ma Đình Khôi (trái) và Bí thư Đảng ủy xã Tri Phú (Chiêm Hóa)
Triệu Phúc Phương giao và nhận việc trên mạng internet.

Anh Ma Đình Khôi từ khi được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ thôn Tiến Thành 1, xã Tri Phú đã tích góp toàn bộ số tiền phụ cấp hàng tháng để mua một chiếc máy tính xách tay làm việc. Sau khi lĩnh hội lãnh đạo của Đảng ủy xã, anh Khôi soạn thảo tài liệu trên máy tính rồi in ấn, tuyên truyền cho bà con trong thôn. Anh còn dùng máy tính để tải video hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây đỗ đen, giảo cổ lam, cây tre trinh trên mạng về để phổ biến trên zalo, facebook cho bà con học tập. Nhờ cách làm này của anh mà nhiều hộ trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây, ở Tiến Thành 1 đã có trên 5 ha cây dược liệu, 5 ha cây đỗ đen và trên 160 ha cây tre trinh.

Chính vì vậy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 33 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025. Theo đó đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2023, 100% thôn, tổ dân phố toàn tỉnh có internet băng thông rộng; 100% các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn hoàn thành đầu tư, lắp đặt và thường xuyên sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối thông suốt ba cấp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, đề ra mục tiêu đến năm 2025, trên 80% chi đoàn, chi hội, Ban công tác Mặt trận ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt.

Với đội ngũ cán bộ nắm rõ lợi thế và biết ứng dụng công nghệ thông tin, nhiệm kỳ này Tuyên Quang đã lần đầu tiên hoàn thành sớm việc triển khai nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và hoàn thành tất cả các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cho cả nhiệm kỳ. Đây cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh chớp thời cơ xây dựng 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

 

 ĐỂ NGHỊ QUYẾT THẤM SÂU, LAN TỎA

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khắc phục được những hạn chế trong tổ chức học nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến? Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ, đặc điểm riêng. Người nghe, người học gồm nhiều đối tượng ở những lĩnh vực, cấp, ngành khác nhau có nhiệm vụ, chức năng khác nhau. Ấy là chưa kể một số cơ sở, cá nhân chưa quen với hình thức học tập trực tuyến vốn ít biểu cảm, khó tương tác. Mặt khác chất lượng của học nghị quyết trực tuyến còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố hạ tầng kỹ thuật.

Nhận rõ những vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng, phân công các đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp chủ trì, chỉ đạo hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết tại địa phương, đơn vị. Tại mỗi điểm cầu, Thường trực Tỉnh ủy còn phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.

Cán bộ, giáo viên và học sinh thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết của Đảng.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể đạt giải Nhất và giải Nhì cuộc thi.

Ban Tuyên giáo phân công 12 chuyên viên của Ban trực tiếp đến các điểm cầu tổ chức hội nghị trực tuyến, cùng cơ sở chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở vật chất để tổ chức hội nghị học tập trực tuyến. Đồng thời nắm tình hình, theo dõi, giám sát việc tổ chức học tập, thảo luận chương trình hành động (bổ sung, sửa đổi) thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Ban cũng tổ chức lấy trên 500 phiếu khảo sát ngẫu nhiên chất lượng học tập Nghị quyết. Tại các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, cấp ủy phân công cấp ủy viên, lãnh đạo, chuyên viên các ban đảng, văn phòng cấp ủy, báo cáo viên cấp huyện, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị dự, nắm tình hình tổ chức hội nghị tại các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc.
 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng chỉ đạo đưa nội dung sau học tập thành nội dung sinh hoạt quan trọng, thường xuyên trong các kỳ sinh hoạt chi bộ.

Một điểm nhấn trong tuyên truyền, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng ở Tuyên Quang là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát động Cuộc thi "Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng" bằng hình thức trực tuyến. Qua 3 đợt thi, cuộc thi đã thu hút 102.950 lượt người tham gia. Cuộc thi trực tuyến nhưng không khí hết sức sôi nổi trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, thu hút cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng trong toàn tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

ĐƯA CUỘC SỐNG VÀO NGHỊ QUYẾT

Những cấp ủy viên @ không chỉ biết ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nghị quyết, mà còn ứng dụng trong xây dựng nghị quyết, các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết.

Bí thư huyện vùng cao Lâm Bình Nguyễn Thành Trung là một trong những người như thế. Anh chia sẻ, thông qua các nhóm zalo, facebook, anh đã kịp thời nắm bắt được tình hình sinh hoạt, khó khăn, vất vả tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, nắm được thông tin về mô hình sản xuất lá giang xuất khẩu đang manh nha, mang lại hiệu quả kinh tế khá của Hợp tác xã Quang Minh. Anh đến tận nơi gặp Giám đốc HTX Đàm Văn Điểu, hiểu được nhu cầu về vốn của hợp tác xã. Anh chỉ đạo chính quyền xã, phòng chuyên môn của huyện quan tâm hỗ trợ hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn và nhân rộng mô hình này ở những nơi có điều kiện. Tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, anh đã trực tiếp thăm hỏi, tặng quà động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ; đồng thời chỉ đạo phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ người từ một số huyện giáp danh của tỉnh Hà Giang ra vào địa bàn huyện.


Bí thư Huyện ủy Lâm Bình Nguyễn Thành Trung thăm và kiểm tra các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện.

Hiện Bí thư Trung đang tham gia 8 nhóm zalo như  “Ban Thường vụ Huyện ủy”, “BCH Đảng bộ huyện”, “Trung tâm điều hành”, “Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện”, “Báo cáo viên cấp huyện”, “UBND huyện”, “Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ huyện Lâm Bình”, “Homestay Lâm Bình”. Đặc biệt, tham gia nhóm zalo “Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ huyện Lâm Bình” và “Homestay Lâm Bình” có cả người dân, chủ các homestay, hợp tác xã. Do đó, anh thường xuyên nắm bắt được tình hình làm dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nhân dân; từ đó định hướng cho các chủ homestay vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 vừa đón tiếp khách du lịch. Những nguyện vọng từ cơ sở giúp anh có những ý kiến xác đáng trong hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh như đề nghị cơ chế hỗ trợ đối với những cá nhân phát triển du lịch cộng đồng homestay, kiến nghị quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù của huyện...

Không chỉ các cấp ủy viên là nam giới, các “nữ tướng” ở Tuyên Quang cũng thành thạo vận dụng công nghệ vào công việc hàng ngày. Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thúy Hà chia sẻ: “Vì dịch bệnh Covid - 19 nên phải họp trực tuyến với tổ chức Hội cấp dưới. Ứng dụng công nghệ không khó nếu mình chịu khó mày mò, học hỏi”. Hội Phụ nữ tỉnh còn có các nhóm zalo, facebook trên mạng xã hội để trao đổi công việc như nhóm zalo: “Thường trực Hội LHPN tỉnh”, “Các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn”, “Các đồng chí Ủy viên Thường vụ chuyên trách”, “Ủy viên BCH Hội Phụ nữ tỉnh”, “Chi bộ Hội Phụ nữ tỉnh”, “Thường trực, Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt Hội LHPN các huyện, thành phố”. Ngoài ra, Hội còn rất chú trọng phát triển và tương tác trang fanpage của Hội để từ đó lan tỏa các phong trào thi đua, các cuộc vận động, mô hình mới, sáng tạo trong các cấp hội và hội viên. Hiện nay, trang fanpage của Hội đã có trên 27.000 lượt tiếp cận, trên 1.500 người thích trang và có trên 5.000 lượt người tương tác.

Fanpage của Hội LHPN Tuyên Quang thường xuyên có hội viên tiếp nhận, chia sẻ thông tin.

Ngày Tuyên Quang phát hiện ca nhiễm covid 19 đầu tiên ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) - nơi chị Hà được Tỉnh ủy giao phụ trách xã, chị đã dùng zalo, facebook để nắm bắt tình hình khu phong tỏa. Chị biết bà con ở đó đang khó khăn trong tiêu thụ nông sản, nên tìm cách phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Bưu điện tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con. Cũng thông qua mạng xã hội, Hội LHPN tỉnh đã kêu gọi người dân hỗ trợ tiêu thụ gần 10 tấn nông sản cho nông dân Bắc Giang và gần 1 tấn rau, củ giúp nông dân Yên Nguyên.

Chị Hà còn nắm được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phòng, chống rác thải nhựa của hội viên phụ nữ do chị em phụ nữ ở cơ sở chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Kết hợp những thông tin này với những chuyến đi cơ sở, chị tham gia được nhiều ý kiến với BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiệm vụ đột phá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chung tay xử lý rác thải và phòng, chống rác thải nhựa.

Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đào Thị Mai nhiều lần đi cơ sở, đến thăm từng mô hình sản xuất của nông dân đã luôn trăn trở làm thế nào để tìm đầu ra cho nông sản, làm thế nào để sản phẩm của người nông dân bán ra thị trường có giá trị tương xứng? Và ý tưởng xây dựng một trang website giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của người nông dân do Trung tâm hỗ trợ nông dân quản lý được ấp ủ. Chỉ trong mấy tháng khi tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, chị Mai đã xây dựng thành công website http://ocop.hoinongdantuyenquang.org.vn/ mà không có một đồng kinh phí nào. Nhờ chức năng liên kết với các trang website của Hội Nông dân của 62 tỉnh, thành phố trong cả nước, website đã giới thiệu, quảng bá hàng trăm sản phẩm OCOP của Tuyên Quang ra các tỉnh, thành phố khác.

Website giới thiệu sản phẩm OCOP của Tuyên Quang.


Chị Mai chia sẻ: “Thông qua mạng xã hội, trang web, trang fanpage của Hội Nông dân tỉnh, Hội đã kết nối, phối hợp với các đơn vị khác vận động, tiếp nhận và hỗ trợ trên 600 tấn nông sản cho các tỉnh, thành có dịch Covid-19. Vui nhất là việc sử dụng mạng xã hội đã góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi nông sản của địa phương và giúp cho giá cả hàng hóa của người nông dân được ổn định”. Chị Mai ấp ủ trong thời gian tới sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý một số dự án hỗ trợ nông dân, điển hình như số hóa đàn bò của người dân tộc Mông theo dự án “vay bò trả bê”, nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thịt bò chất lượng cao.

Không chỉ có những cán bộ cấp tỉnh, huyện thành thạo công nghệ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền nghị quyết của Đảng, ở thôn bản vùng sâu, vùng xa, nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn cũng tích cực học tập để ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đưa nghị quyết của Đảng nhanh vào cuộc sống. Bà Ma Thị Sa, Bí thư chi bộ thôn Bả, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) năm nay đã 63 tuổi chia sẻ, thấy con cháu sử dụng máy tính xách tay, gõ gõ, bấm bấm khiến bà tò mò lắm, nghĩ mình ngoài 60 tuổi chẳng cần dùng đến làm gì nữa. Nhưng vừa rồi, UBND xã vận động cán bộ thôn, bản học máy tính để triển khai việc thôn thuận hơn, nghe ra nên mọi người hào hứng lắm. Xã huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ mỗi thôn mua một máy tính xách tay, rồi mở lớp dạy vi tính cho các cán bộ thôn, mọi người tham gia nhiệt tình.

Được các thầy, cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hùng Mỹ chỉ bảo tận tình, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Sa vẫn quyết học cho bằng được. Những thao tác cơ bản đều phải học, cũng như ngày mới cầm vào cái cày, cái bừa cũng phải học nữa là máy tính. Học từ cách mở máy tính, nhấp chuột, rồi các dấu câu trên máy. Mới đầu khó lắm, lằng nhằng, hoa cả mắt nhưng rồi "lối đi" cũng đã được mở, bà và mọi người  bắt đầu mường tượng ra để đánh được một văn bản thì phải học căn lề, gõ chữ có dấu, ví như dấu sắc thì đánh chữ s, dầu huyền thì gõ vào chữ f...rồi truy cập internet thì phải kết nối mạng thế nào, tìm kiếm thế nào...  Bây giờ mỗi buổi tối bà Sa lại đem máy tính ra để ôn tập lại những gì được học trên lớp để những thao tác của mình thuần thục thục hơn, ứng dụng vào công việc tốt hơn.

Cán bộ thôn của UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) được tập huấn về internet (trái).
Bí thư chi bộ thôn Bả, xã Hùng Mỹ Ma Thị Sa 63 tuổi làm việc bằng máy tính, sử dụng mạng internet để nhận và báo cáo công việc của chi bộ với Đảng ủy xã.

Đồng chí Lương Hải Tuyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ học được nhiều kinh nghiệm, cách làm mới trong chăn nuôi từ nền tảng công nghệ. 
 


Năm 2017, ông mới chỉ chăn  nuôi 5 con trâu vỗ, đến nay gia đình ông đã phát triển lên 20 con trâu, bò. Ông còn tập hợp 7 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trên địa bàn thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thành Công, xã Hùng Mỹ liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) để việc chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền nghị quyết của Đảng, nắm bắt tình hình, gần gũi với nhân dân, những cấp ủy viên “a còng” đã tích cực tham mưu cho tỉnh sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả, ngay cả trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.