Bài 3: Xứ Tuyên bừng sáng

“Về Tuyên Quang đi em à, Tuyên Quang đẹp mông mơ” lời bài hát “Về Tuyên Quang đi em” của Nhạc sỹ Đức Liên như lời mời gọi du khách “hãy nên đến Tuyên Quang và ai không biết đến mảnh đất đắm say tình người, cảnh đẹp thần tiên là một thiệt thòi lớn trong đời”. Qua âm nhạc khai đường, Tuyên Quang đã có nhiều chính sách để biến một vùng “đẹp mộng mơ” trở thành tài nguyên quý trong phát triển du lịch. Và du lịch thực sự đã làm xứ Tuyên bừng sáng.

Nếu hơn chục năm về trước, ai có dịp lên các huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang thấy con đường cấp phối, đèo dốc khúc khuỷu, băng rừng lội suối đi lại khó khăn. Mạng lới điện, viễn thông chưa kéo hết về các trung tâm xã. Các bản làng cũng vì thế sống khá tách biệt với thế giới bên ngoài. Món thịt lợn muối chua truyền thống của người Tày cũng chỉ là món ăn phòng có khách đến nhà chơi mà gia chủ không đi được chợ phiên đường xa. Giờ không ai ngờ món thịt lợn muối chua lại là một món ăn hấp dẫn của du khách, sản phẩm du lịch độc đáo của đồng bào vùng cao.

Chị Triệu Thị Xướng, chủ homestay Hoàng Tuấn thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, trước kia ở Nà Tông nhiều hộ muốn bán ngôi nhà sàn truyền thống để xây nhà ống, phát triển theo hướng hiện đại. Nhưng giờ đây các hộ đã nghĩ lại, nếu không bảo tồn nhà sàn, phong tục tập quán, trang phục, tiếng nói, ẩm thực, nhạc cụ thì không thể nào làm được du lịch homestay. Chính nhận thức đúng hướng này mà Nà Tông ngày nay có nhiều ngôi nhà sàn truyền thống đẹp mọc lên để phát triển du lịch. Du khách trong và ngoài nước nghe tiếng đổ về đây thưởng ngoạn danh thắng sơn thủy hữu tình của lòng hồ, thư thái giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và tìm hiểu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Ai cũng gật gù câu cửa miệng “mộc mạc, giản dị, hoang sơ mà đẹp đến nao lòng”, đến một lần rồi sẽ hẹn ngày trở lại.

Homestay là một trong những hướng đi mới trong phát triển du lịch ở Tuyên Quang.

Nhờ có cách đi đúng hướng, du lịch Tuyên Quang có bước phát triển thần kỳ, ngoạn mục. Không ai có thể tưởng tượng được rằng những thứ “nhà quê” giờ đây lại trở thành đặc sản như gạo quê, gà quê, rau quê. Cây đàn Tính trước kia chỉ người chơi Then mới sử dụng, thì ngày nay khách du lịch tìm mua về để treo trong nhà như một sản phẩm đồ lưu niệm du lịch độc đáo. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015 tỉnh Tuyên Quang mới đón 1,3 triệu lượt khách thì đến năm 2020 đã đón trên 1,7 triệu lượt khách, tăng trưởng du lịch trung bình 10,5% năm, tạo việc làm cho 16.000 lao động. Riêng năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch của tỉnh nhà. Số lượng khách đến Tuyên Quang đã giảm, tuy nhiên đây chỉ là khó khăn ngắn hạn bước đầu, nếu dịch Covid-19 được khống chế, đẩy lùi, du lịch xứ Tuyên sẽ lại bùng nổ trở lại. Như dịp đầu năm 2021, khi đại dịch Covid-19 đang “yên ả” đã có hàng vạn du khách tìm đến xã Hồng Thái (Na Hang) để thưởng ngoạn mùa hoa lê nở trắng “như một dải pha lê” trên sườn núi cao hùng vĩ.

Vẻ đẹp lãng mạn, hùng vĩ của ruộng bậc thang xã Hồng Thái, Na Hang.

Đất lành chim đậu, nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ quốc gia nghe tiếng, đánh giá kỹ tiềm năng mạnh dạn lên Tuyên Quang khảo sát, đặt bút ký đầu tư du lịch lâu dài. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang với tổng diện tích lên tới gần 600 ha, đây là một trong các dự án lớn nhất cả nước. Các hạng mục của dự án bao gồm: Khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng, khu khoáng nóng, khu dịch vụ, sân golf và làng du lịch sinh thái Mimosa. Dự án với quy mô lớn với những hạng mục phong phú của Vingroup được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mới cho du lịch tỉnh Tuyên Quang. Ngoài Vingroup còn có Tập đoàn Mường Thanh, Sun Group, FLC đang triển khai đầu tư và đầu tư có hiệu quả tại Tuyên Quang. Hàng chục công ty lữ hành du lịch của tỉnh được cấp phép tạo tua tuyến du lịch nội địa tỉnh, vùng và quốc tế. Đây sẽ là đầu mối đưa khách du lịch đến với Tuyên Quang một cách chuyên nghiệp, bàn bản, có tổ chức.

Phối cảnh dự án Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup.

Du lịch Tuyên Quang sắp có một cú hích lớn nữa, đó là tuyến đường cao tốc nối Tuyên Quang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai đang được triển khai, khi hoàn thành khách du lịch đi từ Hà Nội lên Tuyên Quang chỉ mất 90 phút bằng ô tô. Tuyến cao tốc nối Hà Giang với Tuyên Quang đang hình thành. Sân bay Phiêng Bung, xã Năng Khả (Na Hang) cũng nằm trong dự án quy hoạch sẽ biến Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình có diện tích bảo vệ trên 61.300 ha, trong đó có 8.000 ha vùng lòng hồ, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Na Hang và Lâm Bình thành trung tâm du lịch của miền Bắc. Sự kết nối du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc “Cao-Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà” với Tuyên Quang sẽ chặt chẽ hơn theo chương trình hợp tác du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc.

Phối cảnh đường cao tốc nối Tuyên Quang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

 

Mới đây ngày 16-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó đưa ra quan điểm phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Đội ngũ doanh nhân, nhân dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là chủ thể hưởng lợi. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đưa Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia. Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp. Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu quốc gia. Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tâm linh tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất một làng văn hóa, xây dựng từ một đến hai sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng một làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh. Đến năm 2025 tỉnh đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu xã hội từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25.000 lao động. Đến năm 2030 tỉnh quyết tâm đưa cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trên địa bàn đồng bộ. Sản phẩm du lịch chất lượng cao, đáp ứng đa dạng thị trường.

Cây đàn Tính trở thành đồ lưu niệm độc đáo cho du khách.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những chuyên gia về du lịch của Việt Nam khẳng định, Tuyên Quang có định hướng và chính sách tốt rõ ràng trong việc phát triển và thu hút đầu tư về du lịch. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhiều sinh viên Khoa Văn hóa - Du lịch của trường Đại học Tân Trào ra trường đã phát huy được sở trường của mình. Với những “thiên thời-địa lợi- nhân hòa” chắc chắn du lịch Tuyên Quang sẽ cất cánh trong thời gian không xa, chất lượng du lịch không ngừng được nâng cao. Đưa Tuyên Quang thành điểm sáng trên bàn đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Những thành tựu, kết quả bước đầu của du lịch xứ Tuyên đã đánh giá đúng hướng đi mà tỉnh quyết tâm lựa chọn. Bà Nguyễn Thúy Lan, một du khách ở quận Tây Hồ, Hà Nội nhận xét, trước kia chúng tôi biết Tuyên Quang qua “mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” hay “Chuyến phà dào dạt, bến nước Bình Ca” hay câu nói dân gian cửa miệng “Chè Thái, gái Tuyên” thì ngày nay chúng tôi lại ngỡ ngàng trước nhiều vẻ đẹp mới. Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Hồng Thái, vẻ đẹp của những cây nghiến nghìn năm tuổi trong khu rừng nguyên sinh đặc dụng, vẻ đẹp lung linh sắc màu Lễ hội Thành Tuyên, vẻ đẹp huyền bí của nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn hay vẻ đẹp các bản làng dân tộc Tày, Dao, Can Lan, Mông, Sán Dìu, Nùng. Càng đi, càng biết, chúng tôi càng bị Tuyên Quang cuốn hút, mê hoặc lòng người.

Kỳ bí nghi Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình).

Tiềm năng sẵn có, hướng đi đã mở, thành tựu gặt hái được có ý nghĩa thực tiễn cao, được cả hệ thống chính trị và người dân bừng bừng tâm huyết làm du lịch. Mỗi người dân giờ đây cũng là “một đại sứ du lịch”. Với cách làm du lịch độc đáo, khác biệt, quyết tâm cao, đường còn dài, tương lai du lịch Tuyên Quang còn rộng mở. Tiền đồ xán lạn đó sẽ được các thế hệ người Tuyên Quang tiếp nối thực hiện ước mơ cháy bỏng, giúp Tuyên Quang luôn xứng đáng với vị thế “Trái tim của vùng Việt Bắc”, “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến” của cả nước.

Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).