Nhiều tác phẩm đã chứng minh rằng, ký ức được khai đào và kiến tạo giá trị mới phù hợp có thể làm “sống lại” cả một không gian.
“Bàn tay người khổng lồ” nổi tiếng xứ Wales
Tác phẩm điêu khắc “Bàn tay người khổng lồ Vyrnwy” (“The Giant Hand of Vyrnwy”) cao 15m nằm trong khu rừng “Những người khổng lồ của Vyrnwy” gần hồ Vyrnwy, xứ Wales, được nghệ sĩ Simon O'Rourke điêu khắc từ một thân cây cao nhất ở xứ Wales.
Sau một cơn bão quét qua khu rừng năm 2011, phần ngọn cây bị gãy đổ, chỉ còn lại một phần thân nên cây có nguy cơ bị đốn hạ. Các nhà bảo vệ môi trường và Tổ chức Tài nguyên thiên nhiên ở xứ Wales đã quyết định tìm một giải pháp thay thế, để thân cây từng là biểu tượng của khu vực hồ Vyrnwy được bảo tồn theo cách khác. Và, dự án biến thân cây bị sét đánh thành tác phẩm nghệ thuật ra đời.
Nghệ sĩ Simon O'Rourke được lựa chọn để mang “thân phận” mới cho cây biểu tượng. Simon O'Rourke nghiên cứu và biết rằng khu rừng này có rất nhiều cây to được mệnh danh là “người khổng lồ của Vyrnwy”.
Do đó, ông quyết định thực hiện tác phẩm điêu khắc một cánh tay khổng lồ nỗ lực vươn tới bầu trời xanh ngay cả khi không còn nguyên vẹn. Gốc cây là phần trụ, phần trên thân cây lột vỏ được mài nhẵn như lớp da mịn của cánh tay. Chiều dài từ cổ tay đến đầu ngón tay dài khoảng 2,25m. Phần ngón cái và ngón út được Simon O'Rourke ghép thêm từ bên ngoài bởi thân cây không đủ rộng để tạo hình cả bàn tay. Bàn tay được khắc tỉ mỉ với những nếp nhăn, gân, cơ, các khớp tay và móng tay y hệt một phần của cơ thể người khi nhìn từ xa. Kết quả thu được khiến những ai ngắm nhìn tác phẩm đều sửng sốt. Nhìn từ góc nào thì “Bàn tay người khổng lồ Vyrnwy” cũng giống thật đến khó tin.
Nghệ sĩ đã chi khoảng 16.000 USD cùng rất nhiều nỗ lực vì tác phẩm có kích thước khổng lồ và vị trí thực hiện khá hiểm trở, tuy nhiên, anh rất hài lòng vì đã tạo ra một "đài tưởng niệm" cho địa danh nổi tiếng. Sau khi tác phẩm hoàn thành, Simon phủ lên trên một lớp dầu thực vật tự nhiên, an toàn cho môi trường.
Ban đầu, màu của bàn tay khổng lồ có những mảng vàng, cam... vốn là màu tự nhiên của thân cây, qua thời gian, màu sắc biến đổi dần, “tiệp” với màu của cẳng tay, khiến tác phẩm càng thêm chân thật. Vào thời điểm sáng tạo tác phẩm bàn tay từ thân cây, Simon chưa nổi tiếng và tác phẩm cũng chưa được nhiều người biết đến.
Năm 2020, khi các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu được quan tâm hơn, hình ảnh về “bàn tay người khổng lồ” được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khiến khu rừng Vyrnwy trở thành một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn, thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan.
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Metamorfose”.
Khi nghệ thuật “chạm nhẹ” vào công trình cũ
Metamorfose là một tuyên ngôn, một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nhóm sáng tạo FAHR 021.3 giúp biến đổi một công trình mục nát, bị thời gian tàn phá tại một trong những khu vực tiêu biểu nhất ở Porto, Bồ Đào Nha. Đây vốn là một công trình bị bỏ hoang, một khoảng trống đô thị từ rất nhiều năm trước, kết quả của việc phá bỏ khu phố cổ ở trung tâm lịch sử của Porto để tạo ra đại lộ Brige, con đường nối thẳng đến cầu Dom Luis I. Trong hơn nửa thế kỷ, không có gì suy chuyển tại đây dù có rất nhiều đề xuất nhằm tái phát triển “vết thương hở” này. Tòa nhà đổ nát mang sắc thái của than cháy, đối lập với các góc phố sống động khác của thành phố.
Với một cách táo bạo, FAHR 021.3 đề xuất làm nổi bật không gian “bị lãng quên” này thông qua một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đầy “khiêu khích”. Nhóm đã dùng 6 tấn thép để tạo nên một mạng lưới dài 28m, cao 11m, sâu 5m với gần 200 nút giao, tất cả đều khác nhau; mạng lưới kim loại màu xanh lá này phủ lên công trình cũ. Mạng lưới được phát triển nhờ kỹ thuật số do máy tính tạo ra, gợi lên hình ảnh mô hình 3D. Mạng lưới kim loại “đóng” và kiểm soát công trình đổ nát, như một phần mở rộng của vách đá granite gồ ghề. Nó không chỉ tạo ra sự tương phản hình ảnh cũ - mới rõ rệt, mà còn tái hiện quá khứ của công trình với những dấu tích xưa cũ, đồng thời mang đến cho công trình cũ màu sắc bí ẩn của tương lai số hóa.
Công trình có các công nghệ chiếu sáng mới nhất cho phép lập trình kỹ thuật số năng động, tăng cường khả năng tương tác với khách tham quan. Cùng với nhà thiết kế ánh sáng Jose Nuno Sampaio của Think Light, với sự hỗ trợ của Lighting Living Lab - Globaltronic và Lightenjin, cấu trúc Metamorfose trở thành nền tảng cho dự án chiếu sáng “Porto Light Experience”.
Tác phẩm nghệ thuật này như một “cú chạm nhẹ” vào công trình kiến trúc, còn người dân và du khách sẽ lấp đầy nó bằng quá trình tìm hiểu về lịch sử nơi này thông qua trí tưởng tượng của mình. Đây cũng là một cách tiếp cận mới nhằm thu hút người dân đến với những không gian đang bị “bỏ quên” của thành phố.
Metamorfose là kết quả của các khái niệm tương phản: Tự nhiên - nhân tạo; đầy đủ - trống không; trong nhà - ngoài trời được FAHR 021.3 trình bày qua một dự án tổng hợp. Cho đến nay, Metamorfose vẫn được coi là kết quả tự nhiên của quá trình phát triển đô thị và nó đã tạo ra một bầu không khí mới ở Porto, tôn vinh một không gian từng bị xuống cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết