Trình diễn áo dài tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2022. Ảnh: Bảo Khang
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội:
Văn hóa Hà Nội luôn đan xen giữa truyền thống với hiện tại
Nói đến văn hóa Hà Nội là nói đến một vùng văn hóa có lịch sử hình thành và trầm tích qua hàng nghìn năm, là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều vùng, nhiều nền văn hóa. Hà Nội từ khi hình thành cho tới nay, luôn là một vùng văn hóa tiêu biểu, có khả năng dẫn dắt, hướng đạo cho văn hóa Đại Việt, văn hóa thời chuyển giao giữa văn hóa Nho giáo đóng kín sang xu hướng văn hóa đô thị, hướng tới văn minh, hiện đại, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh và thời mở cửa, hội nhập theo xu hướng toàn cầu hóa. Với tính chất ấy, văn hóa Hà Nội luôn đan xen giữa truyền thống với hiện tại, giữa cái truyền thống có xu hướng ổn định, bảo thủ với những yếu tố mới, năng động, cập nhật, phù hợp xu thế thời đại; giữa những yếu tố thuộc văn hóa bản địa mang giá trị quốc gia với những yếu tố ngoại lai, tạo ra sự thỏa hiệp, dung hòa nhưng cũng mang tính cạnh tranh rất cao.
Từ căn cốt, Hà Nội nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng luôn mở cửa, khai phóng để tiếp nhận những yếu tố ngoại lai nhưng cũng luôn có sự “phòng vệ” trong các tiếp biến văn hóa vì điều này cần cho chính nó, trở thành một “tố chất trội” trong quá trình phát triển.
PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Nguồn lực văn hóa phong phú, đa dạng
Nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội thực sự phong phú, đa dạng, trong đó nổi lên 3 loại nội dung chính: Di sản văn hóa; thể chế, thiết chế văn hóa và con người tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa. Từ những định nghĩa này có thể thấy, nguồn lực văn hóa nói chung ở Thủ đô Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng, có chất lượng cao, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, nguồn lực văn hóa ở Thủ đô Hà Nội chủ yếu còn ở dạng tiềm năng. Nếu không chuyển vào kết nối với sáng tạo, sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp có tính kỹ thuật để chuyển nguồn lực đồ sộ này vào phát triển kinh tế - xã hội là một vấn đề lớn hiện nay.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:
Tạo lập sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Hà Nội phải nêu gương, đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa trên cả nước; trong đó tập trung cho các lĩnh vực thế mạnh, như làng nghề, du lịch văn hóa... Hà Nội cần đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hóa - mũi nhọn kinh tế mà Hà Nội có nhiều lợi thế, tiềm năng so với các địa phương khác trong cả nước. Nghiên cứu, thể nghiệm, từ đó đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa, tạo sinh kế cho người dân thông qua các dịch vụ văn hóa do cộng đồng tự sáng tạo và quản lý. Củng cố lại hệ thống bảo tàng nhà nước; tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng tư nhân ra đời và phát triển với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng. Qua đó, tạo lập sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức:
Kiểm đếm tài sản - kho tàng văn hóa, lịch sử đồ sộ
Hội nhập phát triển là một hành trình lớn. Thủ đô Hà Nội là một trong 2 thành phố đầu tàu của đất nước, phải chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đủ, tiện dụng để vươn ra “biển lớn”. Trong hành trang đó không thể thiếu văn hóa của chốn “kinh sư muôn đời” - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, với tư cách là “nền tảng tinh thần xã hội”, “là động lực, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Để chuẩn bị tốt hành trang này, Hà Nội trước tiên phải làm tốt việc kiểm đếm tài sản - kho tàng văn hóa, lịch sử đồ sộ - tài sản vô giá cho hội nhập và phát triển. Kiểm đếm chuyên sâu, chuyên nghiệp, sắp xếp một cách có khoa học sẽ giúp cho lãnh đạo lựa chọn tài sản nào, vào việc gì, với ai và khi nào cho hiệu quả cao nhất trong giai đoạn phát triển mới.
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
Khai thác tài nguyên vị thế cho phát triển Thủ đô
Tài nguyên vị thế là một tài nguyên đặc biệt nổi bật của Thủ đô Hà Nội. Nguồn tài nguyên này làm cho các tài nguyên vốn có khác của Hà Nội, cả về tự nhiên, kinh tế - xã hội đều có thể thêm giá trị gia tăng. Việc triển khai các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch của quốc gia, quy hoạch phát triển vùng, trong đó có quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô) đã có tác động hết sức quan trọng nâng cao vị thế của Hà Nội. Việc xây dựng, thực hiện quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội có tác động trực tiếp, đặc biệt là ở các vùng ven đô. Việc này, nếu thực hiện hợp lý, có luận cứ khoa học sẽ đem lại nguồn lợi to lớn cho thành phố.
Gửi phản hồi
In bài viết