Không gian đọc hiện đại, sáng tạo
Nằm trên tầng 4 của Thư viện Hà Nội (47 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm), Thư viện Những ước mơ được khánh thành đầu năm 2021 đang trở thành điểm đến mới của các em nhỏ Thủ đô. Đây là dự án do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam vận động tài trợ và nhận được sự hợp tác đầu tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Với diện tích 400m2, Thư viện Những ước mơ có phòng đọc mầm non, phòng đọc tiểu học, phòng đa phương tiện, phòng tư liệu văn hóa Hàn Quốc, được thiết kế sinh động, trang thiết bị truyền thông hiện đại, tiện ích để các em nhỏ thoải mái đọc sách, trải nghiệm văn hóa, tri thức. Em Nguyễn Gia Thùy, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Em rất thích không gian Thư viện Những ước mơ, vì nhiều màu sắc, sách đa dạng, có thể vừa chơi, vừa đọc sách và được gặp gỡ các bạn thích đọc sách ở những trường khác”.
Được ví là thư viện “5 sao”, Thư viện Văn hóa thiếu nhi (Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm) do Quỹ Hỗ trợ hợp tác văn hóa quốc tế Hàn Quốc tài trợ, cũng là một mô hình không gian phức hợp, đa chức năng, kết hợp giữa đọc sách với các hoạt động trải nghiệm văn hóa hấp dẫn dành cho thiếu nhi. Từ khi ra mắt (tháng 11-2017) đến nay, số lượng bạn đọc thiếu nhi đăng ký sử dụng thư viện này là gần 10.500 thẻ, trung bình có 3.500 bạn đọc/năm đăng ký tham gia đọc sách, chơi trò chơi, xem phim và sinh hoạt chuyên đề trang bị kỹ năng đọc sách, xây dựng thói quen đọc.
Nhiều đơn vị xuất bản, phân phối sách cũng đã thiết lập những điểm đọc sách thú vị thu hút độc giả nhỏ tuổi. Nhà Xuất bản Kim Đồng nâng cấp Nhà sách Kim Đồng (55 phố Quang Trung, quận Hai Bà Trưng) với một diện mạo mới, thiết kế và nội thất hiện đại, thân thiện, phục vụ văn minh, khiến không ít bạn nhỏ thích thú, thường xuyên ghé thăm. Tại đây, các em không chỉ được sở hữu những ấn phẩm mới nhất, mà còn có thể ngồi đọc sách thỏa thuê trong không gian thân thiện, văn minh, ấn tượng. Nhà sách Nhã Nam ở phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) cũng bố trí sàn gỗ cho các bạn nhỏ có thể nằm, ngồi, dựa lưng thưởng thức bất kỳ cuốn sách nào trên giá.
Ở vùng ngoại thành, mô hình điểm “Làng đọc sách Võng Ngoại” (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) ra đời tháng 6-2020 dành cho người dân, nhất là các em thiếu nhi trong làng đã và đang được nhiều địa phương khác học tập, nhân rộng. Mô hình có 3 tủ sách tại 3 địa điểm, mỗi tủ sách có từ 200 đến 300 đầu sách, đầy đủ bàn ghế và môi trường thoáng mát, thuận tiện cho các em nhỏ tiếp cận…
Kết nối tình yêu sách
Hiện tại, 2 cơ sở tại 47 phố Bà Triệu và 2B phố Quang Trung (quận Hà Đông) của Thư viện Hà Nội đều có không gian dành riêng cho thiếu nhi. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 12 thư viện tư nhân và hàng trăm thư viện trường học, tủ sách gia đình, dòng họ sẵn sàng phục vụ đối tượng thiếu nhi. Đây là những không gian đặc sắc và sáng tạo được duy trì để lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong các em nhỏ.
Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà cho biết, việc thành lập những mô hình đọc sách hiện đại, thân thiện, độc đáo trước hết để thu hút các em thiếu nhi tham gia trải nghiệm, tiếp cận sách, từ đó giúp các em dần yêu thích và gắn bó với sách. Còn theo chị Nguyễn Thị Thảo, quản lý tủ sách tại đình làng Võng Ngoại trong mô hình “Làng đọc sách Võng Ngoại”, các không gian thuộc mô hình “Làng đọc sách” giờ đây đã trở thành điểm hẹn văn hóa hàng đầu của thiếu nhi địa phương.
Nhiều cơ quan, tổ chức cũng nhiệt tình đầu tư xây dựng không gian văn hóa đọc cho trẻ em Thủ đô. Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc rất quan tâm hỗ trợ, nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa, giáo dục tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, thông qua việc tài trợ trang thiết bị, sách văn học. Điều này vừa tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước, đồng thời giúp các em nhỏ hứng thú hơn với hoạt động giáo dục nền tảng có ý nghĩa này.
Để tiếp tục phát triển các không gian đọc sách, thúc đẩy văn hóa đọc trong thiếu nhi Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, các đơn vị cần sử dụng đúng mục đích, vận hành hiệu quả, liên tục cung cấp những đầu sách mới cho độc giả. Ngoài ra, các cơ quan liên quan, các địa phương cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tạo những không gian đọc hiện đại, chất lượng cho thiếu nhi Thủ đô.
Gửi phản hồi
In bài viết