Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa qua các tác phẩm điện ảnh

Trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, ngày 10-11, hội thảo “Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa” ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ sĩ, người hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, đây là diễn đàn để các nhà hoạt động điện ảnh, nghệ sĩ tham gia Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI chia sẻ những kinh nghiệm trong việc kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa của mỗi quốc gia thông qua các tác phẩm điện ảnh; khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa của mỗi quốc gia nói chung và văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói riêng đến với khán giả trong nước và nước ngoài. 

Lấy ví dụ về ảnh hưởng của thời trang, ẩm thực, phong cách từ các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc… đối với công chúng Việt Nam và thế giới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định, phim ảnh hấp dẫn sẽ lôi kéo, dẫn dắt công nghiệp thời trang và du lịch; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Vì vậy, điện ảnh Việt Nam nên học hỏi các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, đưa những nét văn hóa đặc sắc, hiện đại vào các bộ phim để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của đất nước.

Ở góc độ của người làm phim, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy nhận định, quảng bá văn hóa qua các tác phẩm điện ảnh là cách quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, tác động mạnh mẽ nhất và ngay lập tức tới số đông công chúng.

Với tư cách là tác giả văn học, biên kịch bộ phim “Chuyện của Pao”, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết, khi phim được chiếu rộng rãi, vùng đất Hà Giang đã được nhiều người biết đến hơn, ngôi nhà là bối cảnh phim trở thành địa điểm dừng chân không thể thiếu trên cung đường du khách khám phá Hà Giang. Đối với người dân bản địa, bộ phim cũng giúp họ nhận ra giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà họ nắm giữ và càng tự hào, càng có ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa hơn. Điều này cũng có thể gặp ở nhiều địa phương được chọn là bối cảnh của những bộ phim nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Về tiềm năng hợp tác điện ảnh với các địa phương, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế giới thiệu về những giá trị vật chất và tinh thần tạo nên truyền thống văn hóa Huế đặc sắc, hấp dẫn các nhà làm phim. Nhiều bộ phim lấy bối cảnh đẹp của Thừa Thiên - Huế như “Nàng thơ xứ Huế”, “Gái già lắm chiêu”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Mắt biếc”… đã tạo sức hấp dẫn lớn cho các điểm đến.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải khẳng định, Thừa Thiên - Huế xác định điện ảnh là ngành chủ lực của công nghiệp văn hóa ở địa phương. Do đó, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các nhà làm phim đến thực hiện, hướng tới xây dựng phim trường, xúc tiến tổ chức các hoạt động, liên hoan phim trong nước và quốc tế…

Hội thảo cũng giới thiệu tiềm năng về việc cung cấp các dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó nhấn mạnh đến các chính sách khuyến khích đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Việt Nam thực hiện sản xuất phim theo Luật Điện ảnh mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Nhiều ý kiến tâm huyết mong muốn sự kết nối, hợp tác của các địa phương, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị, nhà làm phim khảo sát, khám phá và làm phim thuận lợi…

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục