Cán bộ Trạm Y tế xã Bình An (Lâm Bình) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tác dụng của các loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Na Hang, toàn huyện hiện có trên 600 trẻ dưới 1 tuổi trong độ tuổi tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu vắc-xin, nên nhiều trường hợp phải hoãn tiêm hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi. Tỷ lệ tiêm vắc-xin 5 trong 1 cho trẻ dưới 1 tuổi của huyện hiện chỉ đạt 25,9%.
Bác sỹ Đặng Thị Thơ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình An (Lâm Bình) cho biết: “Tình trạng thiếu vắc-xin 5 trong 1 tại trạm đã xảy ra trong 3 tháng nay. Nhiều trẻ đến lịch tiêm, nhưng không có vắc-xin tiêm hoặc mới chỉ được tiêm 1 mũi nên chưa đủ hiệu quả phòng bệnh. Với những trường hợp đến lịch tiêm, nhưng chưa được tiêm, tôi phải giải thích cho bố mẹ của trẻ nguyên nhân thiếu vắc-xin và đây là tình trạng chung của cả nước chứ không phải của riêng địa phương nào”.
Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ tháng 3-2023 đến nay, đơn vị chưa được cấp vắc-xin 5 trong 1 và vắc-xin DPT. Qua rà soát toàn tỉnh hiện đang thiếu gần 10.000 liều vắc-xin 5 trong 1 và trên 800 liều vắc-xin DPT. Tình trạng thiếu vắc-xin 5 trong 1, DPT dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Trước tình trạng thiếu vắc-xin cục bộ, Sở Y tế đã có báo cáo gửi Bộ Y tế để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, kịp thời cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng trong các tháng còn lại của năm 2023 và gối đầu năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế đã gửi đăng ký nhu cầu vắc-xin tiêm chủng của tỉnh trong thời gian tới và những tháng đầu năm 2024.
Lý giải về việc thiếu vắc-xin, bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ tháng 3-2023 trở về trước các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đấu thầu rồi cung cấp định kỳ với số lượng căn cứ đăng ký nhu cầu tiêm chủng của mỗi địa phương. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến tháng 7-2023 Bộ Y tế lại giao cho các địa phương tự đấu thầu mua vắc-xin bằng nguồn ngân sách địa phương, chính vì vậy, không chỉ Tuyên Quang mà nhiều địa phương khác trong thời gian qua luôn trong tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng.
Sau một thời gian các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc mua các loại vắc-xin, việc triển khai tiêm chủng mở rộng ở các tỉnh bị trì trệ, ngày 10-7-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng tại tất cả các địa phương trên toàn quốc bằng nguồn ngân sách Trung ương.
Do thiếu vắc-xin, nên 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Trẻ em được tiêm các mũi vắc-xin cơ bản của Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 41,7%, phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván đạt 32,6%...
Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi là chương trình mục tiêu y tế quốc gia có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Mong rằng, tình trạng thiếu hụt một số loại vắc-xin phòng bệnh cho trẻ sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết