Du khách khám phá không gian "Chuyến tàu quê hương" tại chương trình.
Tối 24/1, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khai mạc chương trình “Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống”.
Trên một diện tích rộng hơn 3.000m2, chương trình “Happy Tết 2024” được thiết kế thành nhiều không gian khác nhau, tập trung khai thác những câu chuyện văn hóa với chủ đề “Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống”.
Cùng với đó là các tiểu cảnh được sắp đặt công phu giới thiệu những điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh..; đặc biệt là các gian hàng mô phỏng nhà tranh “Phố Phái” tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập.
Trong các không gian của chương trình Happy Tết 2024, điểm nhấn là không gian “Chuyến tàu quê hương” với việc tái hiện nhà ga và con tàu xuất phát từ ga Hà Nội. Hình ảnh này gợi nhớ những chuyến tàu về quê ăn Tết. “Không gian nhà Hà Nội xưa” được phục dựng từ ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Tại đây, người dân cũng như du khách sẽ được tìm hiểu một gia đình người Hà Nội xưa chuẩn bị mâm cơm cúng Tết, mọi người quây quần gói bánh chưng trong hương thơm của nước mùi già.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn giới thiệu không gian Tết của miền trung, miền nam và Tết của đồng bào Tày..
Không gian quảng bá ẩm thực tết Hà Nội và các vùng miền chính cũng là một điểm nhấn đáng chú ý khác. Tại đây, Ban Tổ chức giới thiệu những món ăn nổi tiếng đã được định vị thương hiệu bằng tên các con phố, địa danh của mảnh đất như: Bánh cuốn - Thanh Trì, Xôi chè - Phú Thượng, Cốm thơm - làng Vòng, Bánh chưng - Lỗ Khê, Giò chả - Ước Lễ, phở Hà Nội... Từ đó du khách trong nước và quốc tế có thể cảm nhận văn hoá ẩm thực tết Việt quý giá và nét đẹp dư vị ẩm thực nổi bật từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, còn có các gian hàng quảng bá các sản phẩm đặc sản ngày Tết được thiết kế mô phỏng nhà phố Phái, chợ Đồng Xuân…
Đây là nơi để các địa phương giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của một số địa phương của Hà Nội như: bánh dày truyền thống Vân Đình (huyện Ứng Hoà), trình diễn các công đoạn làm tăm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà); giới thiệu nét đẹp làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…
Diễn ra từ nay đến hết 28/1, chương trình còn có các hoạt động như show diễn trang phục Tết cổ truyền, toạ đàm với chủ đề “Ngày xuân kể chuyện Tết xưa” và nhiều hoạt động bên lề như triển lãm ảnh, tư liệu về Tết xưa; chương trình biểu diễn nghệ thuật; các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, phong tục, lễ hội ngày Tết truyền thống cùng nhiều trò chơi dân gian như: Nặn tò he, vẽ tranh, đập niêu, ném còn, bắt vịt…
Chương trình không chỉ tạo một không gian cho người dân chuẩn bị đón Tết, tìm hiểu Tết truyền thống của dân tộc, mà còn là hoạt động thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh Hà Nội với tư cách là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Gửi phản hồi
In bài viết