Thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn) có 106 hộ dân. Do điều kiện địa hình, dân lại sinh sống không tập trung nên việc kéo điện lưới quốc gia đến với Vàng On gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát, là thôn nằm cách biệt, số giờ nắng trong ngày cao hơn hẳn các thôn khác, nên việc lắp đặt điện mặt trời được xem là giải pháp tối ưu để người dân nơi đây có điện. Ông Trần Mạnh Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Yên Sơn cho biết, đầu năm 2022, Yên Sơn đã ký hợp đồng viện trợ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời cho Vàng On, tổng mức đầu tư hơn 1,9 tỷ đồng. Hiện việc rà soát số hộ dân, khảo sát địa điểm lắp đặt, mặt bằng... đều đã cơ bản hoàn thành. UBND huyện Yên Sơn đang lập tờ trình trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để có thể tiến hành trong thời gian sớm nhất.
Đại diện UBND huyện Yên Sơn ký kết hợp đồng viện trợ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về
đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời cho Vàng On theo hình thức Online.
Bà Lý Thu Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh cho biết, Vàng On hiện cũng đang được lựa chọn xây dựng điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhờ khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi. Việc nhanh chóng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho Vàng On sẽ giúp xã giải quyết được những khó khăn về thiếu điện cho người dân nơi đây, đồng thời tạo điều kiện để người dân Vàng On nhanh chóng học hỏi những cách làm hay về phát triển kinh tế, làm du lịch áp dụng vào địa phương.
Các dự án đầu tư ngoài ngân sách đang góp phần hoàn thiện hạ tầng cho nhiều lĩnh vực của tỉnh, trong đó có du lịch. Theo Ban quản lý các khu du lịch tỉnh, từ năm 2021, đã có nhiều dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh như dự án của Tập đoàn Sun Group, Flamingo Redtours... Nhiều dự án đã triển khai bước đầu, hứa hẹn sẽ đem lại một diện mạo mới hoàn chỉnh cho các khu, điểm du lịch tỉnh nhà, góp phần hoàn thiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Dự án đầu tư, tôn tạo, xây dựng và khai thác điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) do Công ty TNHH Sông Gâm đầu tư bắt đầu triển khai những hạng mục đầu tiên của giai đoạn 1. Gồm nhà điều hành đón tiếp khách, nhà hàng ẩm thực, nhà sàn lưu trú, bể bơi, đường giao thông nội bộ và các công trình phụ trợ vườn hoa cây cảnh, đồng thời, chuẩn bị đầu tư khu khách sạn, nghỉ dưỡng...
Bà Phạm Thu Trang, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Sông Gâm cho biết, hiện đơn vị đang tập trung triển khai các hạng mục theo đúng tiến độ, hoàn thiện các công trình của dự án. Theo Công ty TNHH Sông Gâm, đến tháng 8, khi các công trình cơ bản của dự án hoàn thiện, điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba sẽ mở cửa đón khách và định vị sẽ là điểm đến hấp dẫn, trong đó ưu tiên phân khúc khách hàng cao cấp.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút và cho ý kiến triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng, đạt trên 50% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu thu hút 45.000 - 50.000 tỷ đồng).
Công ty TNHH Sông Gâm đầu tư, xây dựng và khai thác tiềm năng từ Khu du lịch sinh thái thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa).
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, hiện UBND các huyện, thành phố tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, đặc biệt các Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nhà ở thương mại, thể thao đã lựa chọn được nhà đầu tư, như Khu đô thị sinh thái và dịch vụ thương mại Tình Húc, thành phố Tuyên Quang, diện tích 21,59 ha, tổng mức đầu tư 773,7 tỷ đồng; Khu đô thị mới bên bờ sông Lô, phường Hưng Thành diện tích 19,8 ha, tổng mức đầu tư 554,6 tỷ đồng; Khu đô thị dịch vụ và dân cư Nông Tiến, phường Nông Tiến diện tích 32,7 ha, tổng mức đầu tư 643,5 tỷ đồng; Khu đô thị Kim Phú diện tích 42,5 ha, tổng mức đầu tư 828,5 tỷ đồng; sân golf VINPEARL Mỹ Lâm - Tuyên Quang...
Tuyên Quang hiện đang tập trung thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách để nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Giải pháp của tỉnh là thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi các cơ chế, quy định, quy trình bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn; tiếp tục cắt giảm tối đa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhất là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai… để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước một cách hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, tạo ra giá trị tăng lớn cho địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết