Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, yếu tố thương hiệu nắm giữ vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm hàng hóa. Các sản phẩm đòi hỏi phải có nguồn gốc, thông tin xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu, thương hiệu được bảo hộ của Nhà nước, qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng 4.0.
Tại tỉnh ta đã có 99 sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đăng ký nhãn hiệu. Trong đó có 62 sản phẩm được bảo hộ, 3 sản phẩm có đăng ký chỉ dẫn địa lý... Đến nay, nhiều sản phẩm đặc sản đăng ký nhãn hiệu đã tạo dựng được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh như trâu ngố Tuyên Quang, cam sành Hàm Yên, mật ong Tuyên Quang, bưởi Xuân Vân, chè đặc sản Vĩnh Tân (Sơn Dương)…
Người dân chọn mua sản phẩm nông sản địa phương tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP
xã Hòa Phú (Chiêm Hóa).
Sản phẩm mỳ gạo Thuật Yến của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Anh Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, thời gian đầu khi chưa đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm mỳ gạo của anh dễ bị nhầm lẫn với các loại bún khô, mỳ khô khác có trên thị trường. Từ khi được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, dán tem mác, in bao bì sản phẩm và thúc đẩy quảng bá, đến nay sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hiện nay, mỳ gạo Thuật Yến được giới thiệu và bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng, quảng bá hình ảnh thương hiệu. Qua đó giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm mới. Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, bên cạnh việc khuyến khích hội viên tích cực nâng cao chất lượng, tăng năng suất, hội cũng hướng dẫn hội viên tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, gắn logo, tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cũng không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, đẩy mạnh chế biến sâu từ đó nâng cao giá trị nông sản. Thông qua các kênh bán lẻ truyền thống, website, Fanpage và gần đây nhất là sàn thương mại điện tử Postmart, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng của địa phương đã được giới thiệu, quảng bá rộng khắp cả nước.
Bà Bùi Thị Chính, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, những năm gần đây, sản phẩm Việt cũng như nông sản Tuyên Quang có nhiều sự thay đổi về mẫu mã và chất lượng. Những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, giá cả ổn định đã tạo niềm tin và đảm bảo sự gắn bó lâu dài đối với mỗi người tiêu dùng địa phương.
Tuần lễ thương hiệu quốc gia hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam kéo dài từ ngày 18-4 đến ngày 24-4-2022. Sở Công Thương với vai trò là đơn vị đi đầu đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm địa phương. Tiêu biểu như các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang với Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP với các đơn vị, trung tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường hoạt động của tổ công tác hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn cho nông dân vào vụ mùa; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang”… Thông qua các hoạt động được tổ chức quy mô với sự lan tỏa lớn đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm trong nước và địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết