Tới dự lễ cắt băng khánh thành có Ngài Đại sứ Đức Guido Hidner, Đại sứ Singapore Jaya Ratnam, Cục phó Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Quốc Anh, Giám đốc Công viên Nước Hồ Tây Nguyễn Thị Vân, Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội,...
Bức tranh gốm do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thiết kế và công ty nghệ thuật Tân Hà Nội triển khai thực hiện với nguồn kinh phí do Đại sứ quán Đức tài trợ nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt-Đức vào năm 2020. Nhưng do dịch bệnh Covid nên đến năm nay bức tranh mới được hoàn thành.
Với mong muốn thể hiện tình cảm yêu quý, gắn bó của nhiều người Việt Nam từng sống và học tập ở các thành phố khác nhau ở Đức, họa sĩ Thu Thủy đã phác thảo bức tranh mở đầu với các em bé vui tươi đang vẫy cờ Việt Nam và Đức trước khung cảnh điện gió tràn đầy năng lượng ở biển Bắc nước Đức. Tiếp đến là khung cảnh thiên nhiên và các công trình kiến trúc tiêu biểu của các thành phố nổi tiếng ở Đức trải dài từ bắc tới nam và từ đông sang tây: Hamburg, Berlin, Frankfurt, Dresden, Cologne, Mainz, Leipzig, Munich,…
Tại buổi lễ khánh thành, Ngài Đại sứ Tiến sĩ Guido Hidner đã rất hào hứng giới thiệu về ý nghĩa của các công trình kiến trúc được thể hiện trên tác phẩm tranh gốm. Ngài Đại sứ nhấn mạnh, hình ảnh các em bé ở đoạn đầu tranh tượng trưng cho tương lai của tình hữu nghị giữa Đức và Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh về thông điệp được gửi gắm trong bức tranh: thông điệp về tình hữu nghị bền chặt giữa hai đất nước và những mục tiêu cao đẹp mà cả hai dân tộc cùng hướng tới, đó là việc gìn giữ bảo vệ môi trường thông qua tích cực sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (hình ảnh người đi xe đạp, cánh quạt gió, tàu ICE, ô-tô điện), gìn giữ các di sản kiến trúc như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của hai đất nước.
Họa sĩ Thu Thủy chia sẻ, đây là bức tranh gốm chị rất tâm huyết như một lời tri ân tới nước Đức. Năm 2005 sau khi đạt giải B Giải Báo chí toàn quốc cho loạt bài viết về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt Nam, họa sĩ Thu Thủy đã nhận được học bổng tham dự khóa báo chí 2 tháng tại Trung tâm báo chí quốc tế Berlin do InWent tổ chức.
Trong thời gian khóa học họa sĩ Thu Thủy đã được đi tham quan nhiều thành phố ở Đức và châu Âu. Các công trình gắn gốm của Hundred Wasser tại Darmstadt (Đức) và của kiến trúc sư Antonio Gaudi tại Barcelona (Tây Ban Nha) đã truyền cảm hứng cho họa sĩ Thu Thủy về việc ứng dụng gốm trang trí các công trình kiến trúc ngoài trời.
Khi trở về Hà Nội chị đã bắt tay vào viết dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - quà tặng Thăng Long Hà Nội 1000 năm. Với 21 chủ đề do họa sĩ Thu Thủy đề xuất và chỉ đạo thi công, công trình Con đường Gốm sứ đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội với chiều dài gần 4km và chiều cao 2m chạy qua địa bàn bốn quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Công trình đã vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới trao bằng chứng nhận Công trình gắn gốm lớn nhất thế giới.
Họa sĩ Thu Thủy đã mời thành công 15 nghệ sĩ quốc tế đến từ 12 nước (Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Argentina, Panama, Venezuela, Chile, Brazil) tham gia dự án. Tuy nhiên, đến năm nay, đoạn tranh gốm của Đức do chính họa sĩ Thu Thủy thiết kế mới trở thành hiện thực.
Bức tranh gốm Tình hữu nghị Việt Đức với những gam màu tươi sáng trẻ trung hiện đại đã làm thay thay đổi hẳn cảnh quan vốn là một bức tường vẽ graffiti lộn xộn. Những tones màu trang nhã và có chiều sâu của gốm khiến bức tường trở nên sang trọng với những hình ảnh mang nét đẹp thiên nhiên, văn hóa và kiến trúc mang tính biểu tượng của nước Đức.
Bức tranh gốm là món quà ý nghĩa mà Đại sứ quán Đức gửi tới nhân dân Thủ đô và cũng là tác phẩm tâm huyết của họa sĩ Thu Thủy bày tỏ tình cảm quý mến của nhân dân Việt Nam đối với nước Đức.
Gửi phản hồi
In bài viết