Khi phụ nữ làm “Dân vận”

- Có một điều khá bất ngờ, là tại các xã có người Mông theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã được xoá bỏ, những nữ lãnh đạo ở cơ sở có vai trò đặc biệt. Ở họ, sự mềm dẻo mà linh hoạt, sự dịu dàng mà không kém phần quyết liệt đã tạo ra sức mạnh để làm nên những kỳ tích phi thường…

“Không ai hơn mình về độ lỳ”

Bí thư Đảng uỷ xã Yên Phú (Hàm Yên) Đỗ Thị Thu Hiền nổi tiếng là “rắn mặt”. Chị Hiền cười khi tự nhận xét: Xét về độ lỳ thì không ai hơn được mình. Bởi chị từng một mình 12 giờ đêm lái chiếc xe máy rời bản chỉ nhờ vào ánh sáng le lói của chiếc xe cà tàng và ánh trăng rừng, khi sóng điện thoại không có; cũng từng một mình tiếp chuyện một hộ dân đặt sẵn dao dưới gầm bàn khi bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo… mà không biết sợ là gì!

Thời điểm trước những năm 2020, khu vực Gò Đá, thuộc thôn 1A Thống Nhất – nơi có hơn 30 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống và theo tổ chức Dương Văn Mình – gần như không có mấy cán bộ xã vào được.

Chị Hiền khi ấy là cán bộ văn hoá xã, cứ lấy lý do vào kiểm tra đời sống của bà con, 5 giờ chiều là chị một mình chạy xe máy từ xã vào xóm. Những ngày mới vào, người Mông ở Gò Đá không ai tiếp chuyện chị. Chị Hiền chọn cách trò chuyện với những người vợ, người mẹ Mông ở đây.

Chị Đỗ Thị Thu Hiền (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình trồng na trên núi đá của người Mông ở Gò Đá.

Chị em lên nương, chị theo lên nương. Chị em đi chợ, chị Hiền theo ra chợ. Chị em ra chuồng trâu, chuồng bò, chị theo ra chuồng trâu chuồng bò… Chị hỏi về đứa con bé đang địu trên lưng đã được tiêm phòng chưa? Chị hỏi con trâu cái bao giờ đến ngày đẻ con nghé? Một người đàn bà Mông mở lời. Rồi hai  người đàn bà mở lời… Từ những người phụ nữ Mông ấy, chị Hiền làm thân được với phụ nữ Mông của cả xóm Gò Đá. Rồi từ những người phụ nữ Mông, chị trò chuyện với  những người đàn ông Mông cốt cán trong gia đình…

Chị khơi trong lòng họ sự kiêu hãnh của tiếng khèn Mông, để họ biết tin biết yêu lời hứa của chính mình.

Từ “không tin, không nghe, không theo, không nhận”, Bí thư Đảng uỷ xã Đỗ Thị  Thu Hiền cười, giờ người Mông ở đây đã biết nhận, biết xin và biết nói lời cảm ơn.

Từ chỗ tin rằng cuộc đời “không cần làm mà vẫn có ăn, ốm đau không cần chữa mà tự khỏi”, người Mông ở Gò Đá giờ xây dựng được một sản phẩm nông sản đặc trưng: Đó là Na trồng trên núi đá. Bí thư Đảng uỷ xã Đỗ Thị Thu Hiền chia sẻ: Tới đây, xã dự kiến sẽ thành lập một Hợp tác xã, để việc trồng, tiêu thụ sản phẩm Na trên núi đá được thuận lợi hơn.

Chị Hiền dạy người Mông ở Gò Đá gói bánh chưng vuông.

 “Mưa dầm thấm đất”

Không chỉ chị Hiền, ở nhiều xã có đồng bào Mông theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã được xoá bỏ, không thể phủ nhận vai trò của những người phụ nữ.

“Kỳ cựu” nhất trong số này, có lẽ là Bí thư chi bộ Ngòi Khù, xã Đạo Viện (Yên Sơn) Giàng Thị Chía. Uy tín của nữ đảng viên người Mông này, đến thời điểm này vẫn ít người qua được. Ngòi Khù là thôn 100% đồng bào Mông. Nhưng người Mông ở Ngòi Khù bao năm nay, vẫn vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Bà Chía bảo: Bí quyết của bà không có gì cao siêu đâu.

Những tổ chức bất hợp pháp vào lôi kéo người dân, với lời mời gọi: Không làm mà vẫn có ăn, bà Chía chỉ cười bảo: Ngày xưa bà xem phim cách mạng, những người không làm mà vẫn có ăn, thì phải đổi bằng tự do của chính mình, phải làm tay sai cả đời cho họ đấy. Mà người Mông mình vốn yêu tự do. Chẳng thế mà mấy năm nay, nhiều tà đạo tìm cách tiếp cận người Mông Ngòi Khù, bà con vẫn “vững như kiềng ba chân” trước mọi lời mời gọi, dụ dỗ.  

Bà Chía cũng được huyện, được tỉnh tin tưởng, mời đi “dân vận” ở xã lân cận Hùng Lợi. Và lần nào, bà cũng thành công cả.

Phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm đất” cũng được chị Lý Thị Thu Hằng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Trung Minh (Yên Sơn) vận dụng hiệu quả.  

Chị Lý Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Trung Minh (Yên Sơn) theo dõi an ninh trật tự qua mô hình Camera an ninh.

Ở Trung Minh, người Mông ở Khuổi Bốc nhiều năm theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Mỗi lần họp thôn, đồng bào Mông không đi họp, cũng không tham gia hoạt động gì của thôn của xã.

Biết trong đồng bào Mông trắng, người phụ nữ giữ vai trò quyết định, chị Hằng tỉ tê với những người vợ người mẹ. Chia sẻ với nhau từ cách chăm con, đến chuyện tế nhị của chị em phụ nữ… họ dần dà thân thiết.

Những lời cởi mở cũng được nói nhiều hơn. Những tia sáng trong những cuộc chuyện trò không ngừng được thắp lên mỗi ngày. Những mong ước dần được hiện thực hoá: Con đường gần 2 km đến thôn được bê tông hoá; những câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hoá Mông, Dao, Tày được thành lập và tổ chức giao lưu thường xuyên… Người Mông cởi mở hơn. Sau này, 100% hộ đồng bào Mông theo Dương Văn Mình ký cam kết từ bỏ tổ chức, tham gia các hoạt động chung của thôn, của xã.

Rời bản Mông trong tiếng khèn ca ngợi Đảng, Bác Hồ của người đàn ông Mông vừa bán gần tạ thóc để sắm chiếc khèn thật ngọt, thật tốt, chúng tôi như thấy thanh âm no ấm như reo vang trong nắng, trong gió mùa mới.

Và với những người phụ nữ làm dân vận như bà Chía, chị Hiền, chị Hằng… trái ngọt này là nỗ lực của những tháng ngày “mưa dầm thấm đất”, với đúng tiêu chí “lạt có mềm thì buộc mới chặt” mà các chị vận dụng từ gia đình ra cuộc sống đời thường.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục