Khó khăn trong xây dựng và khai thác chợ

- Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, mua sắm trực tuyến, chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, đối với địa phương kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang, xung quanh việc phát triển hệ thống chợ nông thôn theo định hướng xã hội hóa cũng như công tác quản lý, khai thác sao cho hiệu quả vẫn còn nhiều bất cập, trở ngại cần được tháo gỡ...

Nhu cầu thiết yếu

Theo số liệu của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 101 chợ. Trong đó, có 1 chợ hạng I, 2 chợ hạng II và 98 chợ hạng III. Công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến; hệ thống chợ đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt đời sống của Nhân dân.

Chợ Tam Cờ là chợ hạng I và chợ Phan Thiết là chợ hạng II được coi là khu chợ trung tâm mua sắm lớn của thành phố Tuyên Quang nói riêng và của tỉnh nói chung. Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Ban quản lý chợ thành phố Tuyên Quang cho biết: Chợ Tam Cờ thu hút 438 hộ kinh doanh, chợ Phan Thiết thu hút 363 hộ kinh doanh. Các chợ có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hiện nay, cùng với việc bán hàng truyền thống, tại các chợ đã xây dựng mô hình chợ 4.0 góp phần thúc đẩy giao thương, buôn bán hàng hóa.

Các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống nỗ lực chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tại huyện vùng cao Lâm Bình có 8 chợ/10 xã, thị trấn, như: chợ thị trấn Lăng Can, Thượng Lâm, Hồng Quang, Thổ Bình, Phúc Yên, Xuân Lập, Khuôn Hà và Bình An. Các chợ chủ yếu được họp theo phiên, đóng vai trò quan trọng đối với người dân khu vực nông thôn, miền núi. Ngày nay, tại các chợ phiên vùng cao có thêm những tiểu thương ở vùng xuôi mang những sản phẩm hàng hóa quần áo, đồ gia dụng đến bày bán đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân.

Anh Ma Đình Thái, thôn Bản Luông, xã Hồng Quang cho biết: “Ngày xưa, hàng hóa khan hiếm lắm, muốn mua gì cũng khó. Sau này, nhờ những chuyến hàng của người buôn dưới xuôi mang lên bán ở các buổi chợ phiên nên chúng tôi được mua đồ dùng trong gia đình và bán những nông sản như: rau rừng, măng, khoai… con giống hay các loại trang phục truyền thống có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”.

Các chợ vùng nông thôn khác cơ bản phát huy được hiệu quả. Mạng lưới phân phối hàng hóa trong các chợ tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, cơ sở vật chất từng bước được cải tạo, đầu tư xây dựng mới. Việc hình thành chợ tương đối đồng đều ở các vùng, tạo điều kiện từng bước rút ngắn khoảng cách đời sống, kinh tế - xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hiện thực hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ các chợ truyền thống, việc quản lý, khai thác và sử dụng chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Một số chợ hoạt động chưa hiệu quả, khó khăn trong khai thác và quản lý.

Còn nhiều bất cập

Chợ nông thôn được đưa vào tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đều đưa chợ vào trong quy hoạch để xây dựng, thực hiện, nhưng trên thực tế, nhiều chợ đang tồn tại dưới dạng “có cũng như không”.

Một số chợ vẫn mọc lên khi vị trí xây dựng chưa phù hợp, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa khảo sát đầy đủ nhu cầu và thói quen mua bán của người dân...

Chợ thôn 23 Kim Phú (TP Tuyên Quang) hoạt động kém hiệu quả, chỉ thu hút được gần chục hộ vào bán hàng.

Tại xã Phúc Ứng (Sơn Dương) vừa được đầu tư 4,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để xây dựng chợ. Theo chia sẻ của đồng chí Đặng Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng, do địa điểm chợ cũ không đủ diện tích, hạ tầng xuống cấp, chính quyền địa phương đã lựa chọn đầu tư tại địa điểm mới trên diện tích 1,4 ha. Tuy nhiên, sau khi thực hiện san đắp mặt bằng, bồi thường giải phóng mặt bằng được một nửa (0,7 ha) và xây dựng được hệ thống thoát nước, mương thủy lợi thì hết ngân sách. Các hạng mục khác chưa được đầu tư xây dựng nên chợ chưa thể đi vào hoạt động.

Chợ thôn 23 xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) được đầu tư xây dựng năm 2021 từ nguồn vốn di dân tái định cư, đến tháng 11-2023 bàn giao cho UBND xã Kim Phú quản lý. Chợ có quy mô 4.000 m2, đã được đổ bê tông nền, xây dựng cổng và tường rào, đáp ứng khoảng 60  - 70 hộ vào buôn bán. Tuy nhiên, chợ mới được người dân và các hộ kinh doanh vào chợ kinh doanh khoảng 3 tháng nay. Qua ghi nhận thực tế, mỗi ngày chỉ có từ 8 - 10 hộ kinh doanh vào buôn bán. Lượng người qua lại, vào chợ thôn 23 mua, bán rất ít. Chị Phan Thị Huê, xã Hoàng Khai (Yên Sơn), một hộ kinh doanh tại chợ thôn 23 Kim Phú cho biết: Chị vào chợ bán các mặt hàng nông sản được 3 tháng nay, tuy nhiên khu vực này quá ít người dân lưu thông, nên bán hàng luôn trong tình trạng ế ẩm.

Tại biên bản làm việc về đánh giá tình hình thực hiện một số nội dung thuộc lĩnh vực ngành Công thương ngày 29-5-2024 của Sở Công thương và UBND huyện Yên Sơn, chợ xã Phúc Ninh có diện tích khoảng hơn 1.000 m2, từ khi xây dựng mới đến nay chợ không hoạt động. Ngoài chợ Phúc Ninh, trên địa bàn huyện Yên Sơn hiện còn chợ Nhãu, xã Quý Quân, chợ Xi măng Tân Quang, xã Tân Long và chợ Chè Đen, xã Hoàng Khai cũng  không hoạt động.

Số liệu thống kê của các huyện, thành phố cho thấy toàn tỉnh hiện có 9 chợ không hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu khiến chợ bỏ hoang ngoài việc chưa phát huy tốt trong khâu thu hút, kích cầu tiểu thương vào chợ của chính quyền địa phương thì không thể không nhắc tới nguyên nhân của khâu khảo sát vị trí xây dựng chợ không phù hợp với thực tế giao thương hàng hóa.

Đáng nói trong khi có chợ đầu tư tiền tỷ rồi bỏ hoang lãng phí lại có những chợ hoạt động hiệu quả, song hạ tầng đã xuống cấp nhưng không có tiền để sửa sang, nâng cấp.

Cần sự chung tay…

Trao đổi với lãnh đạo UBND xã Kim Phú, ông Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 3 chợ truyền thống. Trong đó, chợ Giếng Tanh hoạt động hiệu quả. Chợ thôn 23 chưa thu hút được các hộ kinh doanh buôn bán. Chợ thôn 16 chưa được cấp ngân sách đầu tư. Thời gian tới, UBND xã tích cực phối hợp với lực lượng Công an xã tiến hành tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh buôn bán khu vực lề đường đoạn ngã 4 cây xăng, nhà hàng Huy Tùng chuyển vào khu vực chợ thôn 23 buôn bán. Cùng với đó, tiến hành họp các hộ kinh doanh để triển khai kế hoạch xã hội hóa dựng lều lán hoặc làm gian hàng để người dân yên tâm buôn bán. Đối với chợ thôn 16 (đoạn Km 10 đường Suối Khoáng) xã đã xây dựng kế hoạch trình UBND thành phố chờ có kinh phí để làm mặt bằng.

Chợ Phúc Ứng (Sơn Dương) vừa được đầu tư nhưng mới san đắp và giải phóng mặt bằng được một nửa thì dừng lại.

Trên địa bàn huyện Sơn Dương hiện có 30 chợ truyền thống/28 xã, thị trấn đang hoạt động. Trong đó có 2 chợ thành thị, 28 chợ nông thôn. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác từ Ban Quản lý chợ sang hình thức doanh nghiệp, Hợp tác xã được 22/30 chợ. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn huyện là 62 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thu hút xã hội hóa do các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng là trên 35,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025 huyện được đầu tư xây mới 2 chợ và nâng cấp 5 chợ nông thôn với tổng số tiền 12,8 tỷ đồng. Đối với 2 chợ xây mới là chợ Phúc Ứng và Chi Thiết còn đang trong quá trình đầu tư, thời gian tới huyện tiếp tục thu hút các nguồn xã hội hóa để phát triển chợ.

Năm 2024, huyện Na Hang được đầu tư xây mới 3 chợ, mỗi chợ 4,4 tỷ đồng tại các xã Thượng Nông, Thượng Giáp và Sơn Phú. Tuy nhiên trong quá trình khảo sát thực tế, do nhu cầu và điều kiện thực tế chưa phù hợp để đầu tư chợ nên các cấp chính quyền đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng nguồn vốn. Trong đó, xã Thượng Giáp chuyển sang làm đường giao thông, xã Thượng Nông làm nhà văn hóa, xã Sơn Phú làm trường Mầm non. Đây là giải pháp huyện đưa ra để tránh đầu tư chợ nhưng không có người họp lại bị bỏ hoang gây lãng phí ngân sách.

Nhằm thúc đẩy phát triển chợ truyền thống và bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, từ năm 2023 đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã triển khai nhiều giải pháp. Điển hình như UBND thành phố Tuyên Quang và UBND các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa triển khai mô hình chợ 4.0 tại một số chợ trung tâm trên địa bàn. Hoạt động của chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ sản phẩm địa phương của chợ lên sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, để tồn tại, chợ truyền thống cần có sự chuyển mình toàn diện hơn để nâng cao sức cạnh tranh. Các tiểu thương cũng phải thay đổi hình thức kinh doanh, thay vì mua bán trực tiếp truyền thống thì cần kết hợp hình thức bán hàng trực tuyến. Trên thực tế nhiều tiểu thương cũng đã chủ động lên mạng livestream, đăng bài bán hàng.

Năm 2023, Sở Công Thương đã triển khai mô hình thương mại hai chiều tại xã Sơn Phú (Na Hang) và xã Lực Hành (Yên Sơn). Đối với những xã chưa có chợ hoặc không có nhu cầu đầu tư chợ, có mô hình này người dân sẽ được cung cấp các sản phẩm thiết yếu rõ nguồn gốc, đảm bảo hơn về chất lượng, đồng thời là nơi để người dân trao đổi những sản phẩm địa phương, vùng miền của tỉnh.

Theo chia sẻ của đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, vừa qua, ngành Công thương vừa có cuộc làm việc với các địa phương, rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các chợ nông thôn. Đối với các chợ hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, ngành chuẩn bị trình UBND tỉnh xin chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc có phương án xử lý hợp lý, để đảm bảo không lãng phí quỹ đất.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh lồng ghép nhiều nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cho các chợ thương mại, chợ nông thôn trên địa bàn. Sở Công thương cũng đã có văn bản đề xuất với Bộ Công Thương và UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí xây mới và cải tạo các chợ trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định. Đồng thời, khi có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị số 60/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, Sở tiếp tục triển khai theo các hướng dẫn được ban hành.    

Đồng chí Lê Thiện Trí
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lực Hành (Yên Sơn)

Phát huy hiệu quả “Mô hình thương mại hai chiều”

Lực Hành là xã khu vực III, thuộc khu vực khó khăn của huyện Yên Sơn với trên 80% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, xã không có chợ nông thôn truyền thống. Tuy nhiên, “Mô hình thương mại hai chiều” được xây dựng tại xã đã góp phần cung cấp các sản phẩm thiết yếu, đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cho bà con Nhân dân. Mô hình cũng đồng thời là nơi để người dân trao đổi, buôn bán các sản phẩm địa phương, sản phẩm vùng miền, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Việc phát huy hiệu quả của các mô hình thương mại hiện đại không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn khắc phục những hạn chế, tồn tại của mô hình chợ truyền thống hiện nay.


Đồng chí Phạm Văn Cầu
Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (Chiêm Hóa)

Chuyển chợ không hiệu quả sang làm khu văn hóa

Chợ Vinh Quang được xây dựng năm 2007, năm 2009 được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên do địa hình, địa thế không thuận lợi, đặc biệt là nhu cầu giao thương của người dân thay đổi, chợ đã không hoạt động từ nhiều năm.

Không để lãng phí cơ sở vật chất, xã đã họp dân, báo cáo và đề xuất với UBND huyện quy hoạch và chuyển mục đích sử dụng chợ sang đất văn hóa. Thuận theo nhu cầu chính đáng của người dân, tháng 6 vừa qua, UBND huyện đã có quyết định quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng chợ làm khu vực văn hóa. Dự kiến tháng 8, xã sẽ niêm yết công khai quy hoạch, chuyển đổi chợ thành đất văn hóa. Xã cũng sẽ cải tạo lại một số hạng mục, trồng cây xanh, vườn hoa đáp ứng tiêu chí điểm văn hóa theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã, đồng thời tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân sinh sống trên địa bàn.


Chị Lương Thị Quế
Thôn Khuôn Thê, xã Phúc Ứng (Sơn Dương)

Mong nâng cấp chợ 

Trên địa bàn xã Phúc Ứng hiện có 1 chợ truyền thống ở thôn Phúc Vượng.  Chợ có hơn 100 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Mỗi ngày có hàng trăm khách hàng ra vào chợ này. Đây cũng là chợ truyền thống có vai trò chính phục vụ cho công nhân lao động của Khu công nghiệp Phúc Ứng và các xã lân cận. Đến nay, chợ vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa riêng. Tuy nhiên, do chợ đã xây dựng được hơn 30 năm, hạ tầng đã xuống cấp, một số hạng mục như mái vòm đã bị hư hỏng, mỗi khi trời mưa đều bị thấm dột. Lối đi trong chợ chật hẹp, mỗi lần đi chợ mua đồ rất vất vả. Vì vậy, tôi mong muốn được nâng cấp, đầu tư chợ tại địa phương để đáp ứng nhu cầu giao thương của Nhân dân.


Chị Đặng Thị Huyền
Tiểu thương tại Chợ Nông Tiến, TP Tuyên Quang

Mong chợ sớm hoạt động ổn định

Tôi buôn bán hơn 20 năm nay và đã nhiều lần phải di chuyển các địa điểm để bán hàng. Khi chợ Nông Tiến được xây dựng xong thì tôi rất háo hức. Tôi là một trong những người chuyển vào bán hàng ở chợ sớm nhất. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng chục người vào bán ở chợ. Hạn chế khi bán ở chợ này là do chợ chưa có bảo vệ, không chia các ô, gian hàng để cất giữ hàng hóa. Vì thế nhiều tiểu thương dù có muốn vào chợ bán hàng nhưng lại ái ngại việc hàng ngày phải dọn hàng đến chợ, tối lại phải di chuyển hàng hóa về nhà. Hàng hóa cất giữ tại chợ qua đêm thì không đảm bảo. Chính vì thế đến nay, chợ vẫn rất vắng người bán, người mua. Tôi mong chính quyền sớm có các giải pháp để các hộ tiểu thương sớm ổn định bán hàng tại chợ này.

 

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục