''Xóa mù'' trí tuệ nhân tạo

Sau hơn một năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, "xóa mù" và phát triển trí tuệ nhân tạo.

Kết quả đáng khích lệ 

Từ năm 2014, Việt Nam đã xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu và đưa vào danh mục công nghệ cao, ưu tiên đầu tư phát triển. Ngày 26-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Chiến lược đưa ra mục tiêu “đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong đó, định hướng AI là một trong những công nghệ lõi, góp phần làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, tạo ra những sản phẩm, thiết bị và các tiện ích thông minh ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, quản lý xã hội và đời sống.

Thực tế, thời gian qua, AI đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ, tích cực, nhất là trong các lĩnh vực đô thị, y tế, nông nghiệp, môi trường... Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, nhiều ứng dụng AI được phát triển để hỗ trợ tương tác với người dân, chẩn đoán mắc bệnh, khoanh vùng chống dịch.

Những doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup... đã xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển AI, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến làm việc. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới, hứa hẹn sẽ là lực lượng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực AI.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel Hoàng Ngọc Dương, mảng AI của đơn vị bắt đầu được chú trọng phát triển từ năm 2018, đến nay, đã phục vụ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, chính quyền trong công tác chuyển đổi số tại Việt Nam. Còn theo Giám đốc AI mảng tăng trưởng kinh doanh của MoMo - ví điện tử lớn với hàng chục triệu người sử dụng Đặng Hoàng Vũ, AI đã được ứng dụng trong nhiều quy trình hoạt động và trải nghiệm khách hàng. Cũng theo ông Đặng Hoàng Vũ, MoMo cho phép người dùng mở tài khoản ngân hàng trực tiếp trên MoMo App, không cần gặp mặt và rút ngắn thời gian, phản hồi trên app trung bình là 10 giây, trong khi thời gian hậu kiểm tại ngân hàng trung bình là 3 giờ. Việc ứng dụng AI cũng được triển khai khắp các điểm chạm với người dùng: Tìm kiếm, hiển thị dịch vụ, phân phối quảng cáo, khuyến mãi... để thúc đẩy tương tác và đem lại trải nghiệm đơn giản, tiện lợi hơn.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt cho biết, FPT xác định AI là công nghệ chiến lược, giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng và kiến tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ số.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI Bùi Hải Hưng cho rằng, phát triển AI thực sự khó, cần nhiều nhân tài và sự hỗ trợ. Còn Giám đốc Sản phẩm, Trung tâm Không gian mạng Viettel Phạm Quang Vinh nhìn nhận, ứng dụng AI chỉ mới đáp ứng thử nghiệm và thăm dò, bởi nguồn nhân lực còn thiếu; việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp công nghệ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực AI

Theo Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài, việc thiếu hụt nguồn nhân lực AI ở Việt Nam là rất lớn và luôn nằm trong 3 khó khăn hàng đầu của các đơn vị. Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) Huỳnh Thị Thanh Bình, công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Lượng sinh viên đăng ký đào tạo AI và khoa học dữ liệu thấp nhất trong ngành Khoa học, công nghệ, thông tin. Trong khi đó, Chủ nhiệm cấp cao chương trình thạc sĩ trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học RMIT Đinh Minh thông tin, việc đào tạo AI mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng.

Để thu hút được các bạn trẻ tài năng tham gia vào khoa học dữ liệu và AI, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài cho hay, AI trong lĩnh vực công nghệ thông tin luôn nằm trong tốp 3 về thu nhập, nên cần truyền thông đúng cách để phụ huynh và học sinh hiểu rõ về ngành, cũng như nhu cầu tuyển dụng lớn nguồn nhân lực trong ngành.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin..., mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác nhau. “Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về công nghệ thông tin, thì giờ là xóa mù AI”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục