So với các kỳ hội nghị gần nhất đã diễn ra, điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 là đối thoại giữa Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam với các đại biểu xoay quanh các chủ đề: Ðào tạo chuyên ngành viết văn; Chiến lược số hóa tư liệu văn học; Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới… Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chia sẻ, nhiều quốc gia trên thế giới có nền văn hóa phát triển đều chú trọng tới đào tạo viết văn. Ðó có thể là những trường học hoặc khóa học, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn.
Hiện nay, văn học được coi là bộ môn quan trọng bậc nhất trong các bậc học phổ thông và chúng ta cũng có trường lớp đào tạo chuyên ngành này. Trong giai đoạn tới, Ðảng và Nhà nước sẽ tăng cường, ưu tiên việc đào tạo cho những cây bút trẻ. Trước mắt, khi chưa có nhiều trường lớp chuyên sâu, chính các nhà văn, đặc biệt là những cây bút trẻ cần trở thành "sứ giả" của văn chương, mang những giá trị tốt đẹp đến với các trường học nhằm tạo ra sự lôi cuốn, lan tỏa để thắp lên ngọn lửa đam mê cho thế hệ kế cận của mình. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng hàng đầu vẫn là tài năng của từng cá nhân, còn việc đào tạo sẽ góp phần phát hiện và khơi dậy năng lực của từng cây bút.
Về chiến lược số hóa tư liệu văn học một cách bài bản, dài hạn, Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta đã có chiến lược, đề án, chương trình cụ thể. Trong giai đoạn tới, Ðảng và Nhà nước sẽ quan tâm sát sao, dành nguồn lực nhiều hơn để thúc đẩy sự phát triển của văn học, đặc biệt là vấn đề quảng bá tinh hoa văn học Việt Nam ra thế giới.
Trao đổi tại hội thảo thơ "Vì sao chúng ta viết".
Hội thảo Thơ và Hội thảo Văn xuôi với chủ đề "Vì sao chúng ta viết?" cũng là những nội dung quan trọng được triển khai trong khuôn khổ hội nghị. Các đại biểu trẻ được giao lưu với nhiều nhà văn, nhà thơ lão thành từng có những cống hiến quan trọng cho văn học nước nhà. Những vấn đề nổi cộm được đưa ra bàn luận, chia sẻ, gồm: Vốn sống với người viết trẻ, sự tự do trong tư duy và sáng tạo, văn học dân tộc thiểu số trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam… Tại Hội thảo Thơ, hầu hết các cây bút trẻ đều băn khoăn về chủ đề vốn sống, trải nghiệm, một trong những yếu tố được coi là nền tảng trong sáng tạo.
Tác giả Lê Tuyết Lan (Bình Dương) chia sẻ, chị đã không ngại tham gia nhiều công việc, từ dạy học, làm công nhân trong nhà máy… và thu lượm được nhiều trải nghiệm cũng như cung bậc cảm xúc để thể hiện qua trang viết. Tác giả Lê Ðỗ Lan Anh (Vĩnh Long) được đào tạo và hoạt động về chuyên ngành mỹ thuật; sáng tác thơ ở độ tuổi ba mươi, chị cho rằng vốn sống rất quan trọng bởi cuộc sống luôn chứa đựng những vẻ đẹp bí ẩn và kỳ diệu mà nhà văn phải chạm vào.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều có những chia sẻ mang chiều sâu, gợi mở. Có những nhà thơ vĩ đại của thế giới dù không trải nghiệm nhiều về sự dịch chuyển, thay đổi, họ gần như chỉ sống và ngẫm ngợi mà vẫn có tác phẩm lớn, bởi quan trọng là họ đã không ngừng suy tưởng về hiện thực. Nhà thơ mang sứ mệnh lưu trữ khoảnh khắc của đời sống và gọi ra thông điệp của nó thông qua nghệ thuật. Một thi sĩ nổi tiếng thế giới từng ví von, không có trí tưởng tượng, thì không thể bắc cây cầu hiện thực chạm tới bến bờ của thi ca.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết, người viết trẻ hiện nay có đặc điểm chung là sự tự do, phóng khoáng trong sáng tạo, cho nên người đọc tìm thấy ở họ những chân dung tâm trạng riêng. Trải nghiệm quan trọng, nhưng tất cả đều phải được "tâm hồn hóa" để biến thành tâm trạng, nỗi niềm thì tác phẩm mới sâu được. Viết gì, cảm nhận cuộc sống ra sao, cuối cùng vẫn phải để lại dấu ấn riêng biệt, không trùng lặp… Ông cũng thẳng thắn chỉ ra điểm yếu cơ bản của các cây bút trẻ hôm nay là "các bạn còn giống nhau quá". Mỗi người viết phải bộc lộ cho người đọc thấy "đặc sản tâm hồn" của họ, đó mới là diện mạo văn chương xác lập vị trí của từng cá nhân. Cùng quan điểm này, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định, người viết có thể có vốn sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, vốn sống trực tiếp ngồn ngộn vẫn là chất liệu quý báu.
Hội thảo Văn xuôi diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về sự tự do trong tư duy và sáng tạo. Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, đã có những cuốn sách chạm đến những vấn đề gai góc của cuộc sống xuất hiện. Việc công bố sách hiện nay không khó, nhà văn hãy cứ viết, con đường văn học mênh mông, không có rào cản nào cả, vấn đề là hãy viết thật hay. Tiếp nối chủ đề này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có chung quan điểm, người cầm bút hãy tập trung vào việc viết, quan trọng là phải viết tốt. Các đại biểu trẻ đề xuất, nên có thêm nhiều cuộc thi, giải thưởng, ấn phẩm dành cho người viết trẻ để họ được tự tin thể hiện mình và có cơ hội được thừa nhận. Ngoài ra, các hoạt động đi thực tế, đầu tư sáng tác theo đầu sách, mở các lớp bồi dưỡng viết văn tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước… cần được đẩy mạnh thành phong trào sôi nổi.
Ðiểm nhấn xúc động trong hội nghị lần này là cuộc gặp gỡ các em nhỏ mồ côi sau đại dịch Covid-19, hiện đang học tập, lưu trú tại ngôi trường "Hy vọng" của Tập đoàn FPT. Ðây là cơ hội giúp người viết trẻ nhìn nhận rõ hơn vai trò, sứ mệnh, cảm hứng của mình cần tiếp tục được nâng lên một tầm mới bằng trách nhiệm với đồng nghiệp, bạn đọc, xã hội.
Bên cạnh những dư âm đẹp, vẫn còn đó đôi điều tiếc nuối. Bảy tham luận trên tổng số 138 đại biểu trẻ theo danh sách tham dự hội nghị là con số khiêm tốn, cho thấy người viết trẻ vẫn chưa mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, đóng góp của mình cho chủ thể chính của hội nghị. Trong các hội thảo, người viết trẻ vẫn còn dè dặt, chưa thật tự tin đưa ra những trao đổi, kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng sáng tác để khẳng định tài năng và trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc sống đa dạng, phong phú và nhiều thách thức hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết