Đầu tháng 12-2022, tại xã Ninh Lai, UBND huyện Sơn Dương tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại phan của dân tộc Sán Dìu”. Thầy cúng Lại Văn Hòa, thôn Nam Hiên, xã Sơn Nam (Sơn Dương) hồ hởi: “Đây là niềm tự hào của người dân tộc Sán Dìu chúng tôi. Tôi tự hào khi lưu truyền, gìn giữ về lịch sử, cội nguồn, nâng cao ý thức tự giác tộc người, nâng cao ý thức trong việc lưu truyền những câu chuyện cổ của người Sán Dìu, bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp lưu truyền mãi theo thời gian”.
Theo đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Dự án 6 có 19 tiểu dự án. Trong đó, lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại phan của dân tộc Sán Dìu” là một trong những nội dung của Tiểu Dự án 6 “Hỗ trợ chương trình nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một” được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp với địa phương thực hiện.
Trong năm 2022, thực hiện Dự án 6, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức 3/4 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện các luật tục, hương ước, quy ước, chuẩn mực đạo đức cho đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng chế biến món ăn; kỹ năng hướng dẫn phục vụ lưu trú; kỹ năng phục vụ khách du lịch. 100% các huyện, thành phố đang triển khai xây dựng 8 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian và hỗ trợ hoạt động 12 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS & MN.
Du khách và người dân của Làng Văn hóa Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) chung vui trong điệu nhảy sạp.
Tại huyện Na Hang, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp với UBND huyện hoàn thành 1 chương trình tuyên truyền quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS. Hiện nay, 2 đơn vị đang tiếp tục phối hợp, xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến du lịch các vùng đồng bào DTTS & MN kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch.
Huyện Lâm Bình hiện đang xây dựng 1 mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch. Tại huyện Yên Sơn, các đơn vị, địa phương phối hợp khảo sát, nghiên cứu, thuê đơn vị tư vấn lập dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án “Bảo tồn Làng Văn hóa Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn”. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tiến hành khảo sát, nghiên cứu, thuê đơn vị tư vấn lập dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo 2 di tích: Di tích lịch sử quốc gia Làng Ngòi, thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn); di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa).
Đây là những di tích có giá trị tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS & MN. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện xây dựng, mua sách, tài liệu cho 9 tủ sách cộng đồng; hỗ trợ đầu tư 13 trang thiết bị văn hóa và thể thao cho thôn vùng DTTS & MN.
Một nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh chỉ đạo trong Dự án 6 là khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn tại huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa. Trong các ngày mồng 10 và 13 tháng Giêng vừa qua, tại xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hóa) đã tổ chức Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Đồng chí Tái Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Linh Phú bày tỏ: Đây là lần đầu tiên xã Linh Phú tổ chức Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn.
Pà Thẻn là DTTS rất ít người được Chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra mục tiêu là cần được cấp bách bảo vệ và phát triển. Chúng tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, Chương trình mục tiêu quốc gia tạo động lực cho người Pà Thẻn phát triển đột phá. Dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Pà Thẻn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên.
Dự án 6 có nhiều nội dung đa dạng, nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã khắc phục khó khăn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để chủ động thực hiện. Việc triển khai, tổ chức thực hiện dự án được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, đúng theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Công tác phối hợp rà soát, đánh giá tình hình thực tế, xác định nội dung, công việc và nhu cầu về nguồn lực được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở; đảm bảo đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, phù hợp tình hình thực tế và nguồn vốn Trung ương đã phân bổ cho tỉnh.
Thực hiện có hiệu quả Dự án 6 góp phần làm giảm chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, các dân tộc trong tỉnh; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc, thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết