1. Nói thế để nhớ lại những thời kỳ bản lề của sự phát triển của một đất nước văn hóa đã đóng vai trò vô cùng to lớn. Đây không phải là một cách diễn đạt của văn chương mà nó là một sự thực, bởi bao giờ điểm khởi đầu và đích cuối cùng của lựa chọn đều là văn hóa. Thế nhưng trong thực tiễn, khi xếp theo thứ tự những điều kiện để một đất nước, một vùng đất, một thành phố phát triển thì người ta vẫn đặt văn hóa sau nhiều yếu tố khác. Đó là do nhận thức chưa đúng, chưa đủ về vai trò của văn hóa đối với phát triển, với sự hùng cường của một đất nước. Bởi về lâu dài, văn hóa mở đường để một dân tộc phát triển và nó cũng là thước đo về sự phát triển ấy có bền vững hay không, có đem lại hạnh phúc cho nhân dân hay không? Nhận thức ra được điều đó đã khó nhưng để thực hành được những nhận thức ấy trong đời sống là điều còn khó hơn nhiều.
Đường hướng phát triển của Hà Nội trong tương lai được xác định rõ trong nhiều kỳ đại hội gần đây là một thành phố hiện đại, một trung tâm văn hóa dẫn đầu của đất nước. Mục tiêu này không thay đổi trong các nghị quyết của Đảng bộ thành phố qua các kỳ đại hội, có trong Quy hoạch Thủ đô và vùng Thủ đô mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và đó cũng là nguyện vọng không chỉ của đồng bào Thủ đô mà còn là của nhân dân cả nước.
Định hướng phát triển của Hà Nội được xác định trong nhiều kỳ đại hội gần đây là một thành phố hiện đại, một trung tâm văn hóa dẫn đầu của đất nước. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Đây không phải là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vì suy cho cùng vấn đề nhận thức vẫn giữ vai trò số một đối với phát triển. Bởi dù đã nhận thức đúng hướng đi thì trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn cứ phải nhận thức liên tục, đổi mới liên tục vì mỗi chặng đường phát triển lại phát sinh ra những vấn đề mới, lại phải nhận thức tiếp để tiến lên. Bởi mục tiêu dù đã xác định thì có rất nhiều phương thức để đạt đến đích, trong đó chỉ có một phương thức tối ưu mà nếu lựa chọn đúng sẽ tránh được rất nhiều lãng phí.
Thách thức đầu tiên Hà Nội cần đạt tới là phải vượt qua những giới hạn của chính mình trong tất cả các khâu, cả ở sử dụng tiềm năng, thế mạnh sao cho hiệu quả, lẫn ở cách khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm đã và đang níu kéo, làm chậm bước tiến của Hà Nội. Hiểu đúng mình, dám và biết cách vượt qua chính mình để không bị bỏ lại phía sau là điều không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi sự sáng suốt và bản lĩnh của người đứng đầu, của đội ngũ chịu trách nhiệm về tương lai của Hà Nội. Ưu thế về đất đai, con người, trí tuệ, nhân lực, vật lực… không nhỏ nhưng tại sao Hà Nội vẫn chưa thành đơn vị dẫn đầu về phát triển xã hội, văn hóa, con người? Rào cản cơ chế, thể chế trong tất cả mọi lĩnh vực là rào cản lớn nhất. Nếu nhìn thẳng vào sự thật sẽ thấy có nhiều vấn đề cần phải làm, bắt đầu từ dám nghĩ, dám làm, dám cởi bỏ những cơ chế do chính mình xây dựng nhưng đã lỗi thời.
2. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là Người nói tới ánh sáng của trí tuệ và bản lĩnh của văn hóa vì Tổ quốc và nhân dân với một tinh thần nhất quán, xuyên suốt, vì tâm niệm “việc gì có lợi ích cho dân thì cố làm, việc gì hại cho dân thì cố tránh”.
Người xưa đã từng tổng kết nhiều bài học quý về vận nước mà ở đó vai trò của nhà cầm quyền cùng lòng dân là hai nhân tố quyết định sự thịnh suy của mỗi triều đại. Thời Lý nhà sư Pháp Thuận cho rằng nhà vua đừng bao giờ nghĩ đến những chính sách trái lẽ với tự nhiên thì nhân dân sẽ được an hưởng thái bình. Nguyễn Trãi thì khẳng định một trong những nguyên nhân dẫn đến triều Hồ Quý Ly mất nước là vì “chính sự phiền hà” khiến “lòng dân oán hận”.
Giáo sư Trần Văn Giầu khi trò chuyện với thầy trò khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cứ day dứt mãi với câu hỏi tại sao chỉ có hơn 200 lính và một tầu chiến cổ lỗ mà thực dân Pháp chiếm được thành Hà Nội, và hơn một chục lính Pháp có thể chiếm được tỉnh Ninh Bình? Giáo sư cho rằng lúc đó lòng tin của dân vào triều đình nhà Nguyễn đã không còn nên vận nước xuống thấp đến mức bi kịch như vậy. Theo ông, nguyên nhân chính khiến Liên Xô sụp đổ là gần hai mươi triệu đảng viên đã mất hết ý chí chiến đấu, buông xuôi… Những bài học ấy đáng để cho mọi người suy ngẫm về đội ngũ lãnh đạo và trách nhiệm công dân của mỗi người trước vận mệnh của đất nước, dân tộc.
Vấn đề thứ hai cần nhìn từ lịch sử mà rút ra bài học cho ngày nay là vấn đề lòng tin, là sự gắn bó, đồng lòng của nhân dân với chính thể. Một câu hỏi đặt ra là vì sao Hồ Chí Minh và thế hệ học trò của Người đã tạo dựng được một căn cứ vững chắc cho văn hóa giữ nước, tinh thần xả thân, tận hiến cho đất nước, nhân dân. Tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… đã tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng. Dân khí nước Việt sau ngày Cách mạng Tháng Tám đã nâng lên một bước ở chữ “đồng”, đã gắn kết hầu hết những người Việt yêu nước thành một khối chống kẻ thù chung. Và nhờ chữ “đồng” này mà một nước Việt Nam trước đó còn chưa được mấy người biết đến, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần vì độc lập tự do của dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Người nhen lên ngọn lửa ấy và giữ cho nó sáng rực rỡ chính là Hồ Chí Minh.
3. Nhìn vào vị thế của Hà Nội trong lịch sử và ngày hôm nay, cả về lý trí và tình cảm ai cũng thấy Hà Nội có đủ điều kiện để hóa Rồng. So với các thành phố lớn khác của cả nước, Hà Nội có đầy đủ những tiềm lực cả truyền thống lẫn hiện tại để trở thành như vậy, nhưng tại sao cho đến nay Hà Nội vẫn chưa trở thành một thành phố như mong muốn? Câu hỏi này luôn là điều trăn trở của mỗi người dân yêu thành phố.
Không thể phủ nhận những thành tựu của Hà Nội từ khi thực hiện đổi mới đến nay vô cùng to lớn, có người nói là có ý nghĩa lịch sử. Điều đó đúng nhưng nếu nhìn với một ước vọng lớn hơn, với tâm trạng sốt ruột hơn vì sự thay đổi chậm, hiệu quả không cao, thậm chí trong quá trình phát triển đã gây ra những đổ vỡ, mất mát mà sau khi làm xong một thời gian lại phải sửa chữa, phải làm lại thì thấy chưa thể yên lòng. Hà Nội phải tự vượt lên trên chính mình ở nhiều phương diện, cả trong hướng đi, trong tầm nhìn, trong tổ chức bộ máy để hiện thực hóa ước vọng trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Đây không chỉ thuần túy là vấn đề nhận thức mà còn cả một hệ thống những giải pháp căn cơ, thiết thực và có đủ nhân lực, vật lực thực hiện đến cùng những giải pháp ấy. Hiện có nhiều việc Hà Nội đang đi sau địa phương khác không phải chỉ vì Hà Nội rộng, Hà Nội đông dân mà nguyên nhân chính là Hà Nội chưa phát huy được hết những thế mạnh, tiềm năng của chính mình để trở thành đầu tầu, thành gương mẫu cho nhiều địa phương khác của cả nước. Diện mạo của Thủ đô phải trở thành tiêu biểu cho một đất nước, trong đó, cốt cách, bản lĩnh phải là những điều dễ nhận thấy ở con người, cảnh quan đô thị, mức sống, lối sống của người Thủ đô. Điều này là đòi hỏi tự nhiên của đất nước. Cả nước vì Hà Nội và Hà Nội phải phát triển vì cả nước là vì thế.
Câu hỏi đặt ra từ bài học của lịch sử là trước mỗi một quyết định mang tính lịch sử, cần có những bước đi sáng suốt và bản lĩnh. Đó là vấn đề dùng người. Nhân tài ở ngay trong cộng đồng, là của hiếm vì tài năng của họ không phải ai cũng dùng được nếu không biết dùng. Hà Nội tập trung đội ngũ trí thức lớn nhất của đất nước nhưng tại sao nhiều chính sách, công trình lớn của Hà Nội vẫn chưa có được hàm lượng trí tuệ và văn hóa xứng tầm? Bởi Hà Nội chưa khai thác được tiềm năng này. Bởi đội ngũ trí thức cũng chưa làm tròn trách nhiệm với Hà Nội, chưa có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển. Khâu chọn người giao việc từ cấp cao cũng cần phải làm tốt hơn và quy trình lựa chọn cán bộ ở các cấp tham mưu và tổ chức thực hiện phải chọn lọc được những người xứng đáng. Đây là việc phải thay đổi đầu tiên vì đó là vấn đề văn hóa dùng người, là then chốt của cả bộ máy. Đây là khâu Hà Nội phải vượt qua đầu tiên để đổi mới. Nhân dân sẽ tin yêu vào người mình gửi gắm hy vọng và sẽ hết mình cho những tin yêu ấy.
Gửi phản hồi
In bài viết