Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra diện tích cây trồng bị ngập úng tại xã Trung Môn ( Yên Sơn)
Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đợt mưa lớn diện rộng trong lịch sử đã gây lũ trên hệ thống sông suối nhỏ làm ngập úng hơn 1.600 ha cây trồng, trong đó, trên 1.163,9 ha lúa; 431,6 ha rau xanh; 6,8 ha cây ăn quả và một số loại cây trồng khác.
Xã Trung Môn (Yên Sơn), một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Thống kê của UBND xã, 100 ha lúa của bà con các thôn 4, 7, 9, 12, 17, 20 đang kỳ trỗ đòng cùng hàng chục ha cây màu, cây ăn quả đã bị nước nhấn chìm. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, thôn 12 cho biết, suốt từ hôm mưa lớn xảy ra ông và nhiều hộ dân có đất canh tác trên cánh đồng túc trực vớt rác, khơi thông mương máng, cửa cống để nước được tiêu thoát, nước rút đến đâu ông té nước rửa lá lúa đến đó. Ông Nhiệm chia sẻ, rửa lá lúa ông cố gắng thật nhẹ không để lá lúa bị dập, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cây lúa sẽ khó phục hồi.
Giống như nhiều người dân xã Trung Môn, bà con nông dân thôn Ninh Thái, xã Thái Hòa (Hàm Yên) cũng gấp rút vệ sinh đồng ruộng sớm khôi phục sản xuất. Ông Lê Văn Đoàn chia sẻ, gia đình ông có hơn 1 ha rau mùng tơi, mướp, mưa lớn trong nhiều ngày đã làm dập nát lá, để rau nhanh chóng phát triển trở lại ông đã cắt hết những lá bị tổn thương, chăm sóc tích cực. Những diện tích rau bị ngập lâu thối nhũn, gia đình ông đã thu dọn sạch sẽ, khơi lại hệ thống thoát nước, cuốc luống, rắc vôi hong phơi đất diệt nấm khuẩn trước khi tiến hành gieo vụ rau mới.
Cùng trên địa bàn huyện Hàm Yên, chủ các trang trại cũng đang thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý hậu quả sau mưa lũ để bảo vệ diện tích cây ăn quả. Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX rau, quả an toàn Đức Ninh chia sẻ, ngoài đào rãnh thoát nước, ông đang thuê người kiểm tra cắt hết những cành cây cam, bưởi bị gãy, đồng thời rắc vôi vào các gốc để khử nấm, khuẩn phát sinh lây lan gây hại cây. Theo ông Phong, 28 ha cam, bưởi, thanh long và ổi của HTX đã được xử lý, cây vẫn xanh tốt, không có hiện tượng rụng quả, rụng lá.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Chi cục đã làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, Ban Quản lý công trình thủy lợi cơ sở kiểm tra, huy động lực lượng thực hiện nạo vét hệ thống mương tiêu; hướng dẫn nhân dân khơi thông dòng chảy, nạo vét rãnh thoát nước trên ruộng đảm bảo cây trồng không bị ngập úng dài ngày. Đồng thời, tăng cường cán bộ giám sát, kiểm tra đồng ruộng, điều tra phát hiện dịch hại, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Nhất, thôn 3, xã Kim Phú (Tp Tuyên Quang) phun thuốc diệt nấm khuẩn bảo vệ lúa. sau mưa lũ.
Đối với diện tích lúa đã chín, huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa xuân đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng do mưa lớn gây ra. Báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại 1 số địa phương của huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương bà con đã tranh thủ gặt lúa, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đối với lúa chưa chín, bị ngập, nước rút đến đâu vệ sinh bùn, rác trên ruộng ngay đến đó, khi té rửa, vệ sinh tránh làm gãy, dập thân, lá lúa. Những diện tích lúa bị nước làm đổ nghiêng phải dựng, buộc đứng, tạo điều kiện để cây lúa phục hồi. Đặc biệt lưu ý phòng trừ một số bệnh thối thân phát sinh gây hại trên lúa xuân muộn đòng già, chín sữa ở những ruộng bị mưa lũ tràn qua hay bị ngập úng; tiến hành tháo nước trong ruộng ra càng sớm càng tốt, rắc vôi bột từ 6-8 kg/sào hoặc phun nước vôi trong lên toàn bộ cây lúa. Cùng với đó, sử dụng một số loại thuốc để trừ bệnh như sau: Nevo® 330EC, Physan 20SL, Actinovate 1 SP, Anti-xo 200WP, Actino-Iron 1.3 SP, Xanthomix 20 WP...; bệnh đen lép hạt, phát sinh gây hại giai đoạn trổ bông đến chín sữa. Sử dụng một trong các loại thuốc phòng trừ bệnh thối thân để phun trừ bệnh kịp thời và hiệu quả; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, phát sinh gây hại trên lúa xuân muộn giai đoạn đòng già - trỗ bông ở những ruộng có lũ tràn qua, ngập úng. Sử dụng các loại thuốc: Xanthomix 20 WP, Hope Life 450WP, Galoa 80EC, Anti-xo 200WP, Lilacter 0.3 SL, Sa sa 25WP...
Các địa phương cần khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau, màu đã đến kỳ thu hoạch; tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước không để cây rau, màu bị ngập úng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để cây nhanh phục hồi.
Đối với vườn cây bị ngập úng, người dân cần xẻ mương, đào rãnh để tăng tiêu thoát nước; những vườn thoát nước chậm dùng máy bơm hút hỗ trợ để thoát nước nhanh ra khỏi vườn cây. Đối với những cây bị gãy cành sử dụng cưa chuyên dụng cưa bỏ cành gãy, dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc phòng trừ nấm có gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế nấm xâm nhập, gây hại. Vệ sinh sạch tàn dư cây trồng trên vườn; xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ (hạn chế sử dụng phân bón hóa học), phân bón lá có hàm lượng lân, kali cao để tăng khả năng phục hồi của cây. Phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ trên cây có múi (cam, bưởi, chanh). Đặc biệt, người dân thực hiện phun thuốc sau 3-5 ngày kiểm tra, nếu bệnh vẫn chưa giảm cần tiến hành phun nhắc lại lần 2. Khi cây bị nhiễm bệnh ngừng bón đạm, tuyệt đối không kết hợp phân bón qua lá với thuốc trừ bệnh. Nồng độ và liều lượng thuốc theo hướng dẫn in trên nhãn mác thuốc.
Theo dự báo của Đài khí tượng và Thủy văn tỉnh, trong đêm nay, ngày mai nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa, thậm chí là mưa lớn cục bộ, nguy cơ ngập úng ở vùng trũng tiếp tục xảy ra, bà con nông dân khẩn trương và chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
Gửi phản hồi
In bài viết