Hoàn thiện hạ tầng
Xã Kiên Đài đón Xuân Nhâm Dần 2022 ấm áp, tươi vui hơn khi cán đích nông thôn mới với hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Từng cụm dân cư “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh” được hình thành với nhịp sống tươi vui, an ninh trật tự được giữ vững. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện. Đồng chí Ma Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Kiên Đài phấn khởi cho biết: Xây dựng nông thôn mới xã đã có bước chuyển “ngoạn mục” về mọi mặt. Riêng năm 2021 xã được đầu tư xây dựng trường Tiểu học, trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trạm y tế xã; bê tông hóa 7,58 km đường giao thông và 34 hộ được hỗ trợ xóa nhà dột nát, làm nhà ở mới.
Nét mặt rạng ngời, anh Ma Văn Danh, Bí thư Chi bộ Làng Phầy chia sẻ: “Người dân phấn khởi lắm, cuộc sống đã đổi thay trên từng nếp nhà, con đường. Đặc biệt là hệ thống giao thông thuận lợi, đã đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nhiều năm qua”.
Tuyến đường dài gần 7 km qua 2 thôn Cường Đạt và thôn 16 của xã Tân Long (Yên Sơn) được bê tông phẳng lì. Trong đó có 3,5 km đường thôn Cường Đạt được xã lựa chọn là đường kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới, đường mở rộng 7 m, bê tông rộng 5 m đã đem đến cho vùng Cường Đạt một diện mạo mới. Ông Nguyễn Văn Hậu cười bảo, “khi đường mở rộng vào đất vườn nhà 3 m kéo dài cả 300 m, tôi đã vận động cả nhà đồng thuận để hiến đất cho thôn, xã làm đường. Đất đai mất ai cũng sót cả nhưng có đường rộng, tới đây con cháu có ô tô còn tránh nhau được. Rồi mai mốt bán rừng quế, rừng keo hay quả bưởi còn được giá chứ. Đến giờ, đường làm xong thôn như phố, ai cũng vui và thấy phấn khởi trước sự đổi thay của thôn mình”.
Đường thôn Cường Đạt, xã Tân Long được cứng hóa rộng 5 m tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Thành công của xã Tân Long trong xây dựng nông thôn mới không chỉ là hạ tầng hiện đại, đường cứng hóa mà thành công nhất ở đây chính là phát huy được tinh thần đoàn kết của nhân dân. Theo thống kê của xã, người dân hiến đã lên tới hơn 20.000 m2 đất làm đường, trong đó thôn Cường Đạt đứng đầu với trên 7.000 m2.
Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Sỹ Thuật, khẳng định: Quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021 đã đem đến cho Tân Long luồng sinh khí mới. Mạng lưới giao thông từ xã đến thôn xóm, đường nội đồng được cứng hóa với tổng chiều dài lên tới trên 40 km; nhà ở dân cư trên 92% kiên cố; 14/14 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40,79 triệu đồng/người/năm… Những thành quả này sẽ là đòn bẩy để Tân Long phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Nâng cao đời sống của người dân
Đón năm mới 2022, niềm vui như được nhân đôi đối với người dân Tân Thành (Hàm Yên) bởi xã cán đích 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cuối năm 2021 với nhiều công trình được triển khai xây dựng. Cam sành, chè được giá, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Đồng chí Đặng Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho rằng: “Nông thôn mới không chỉ là xây dựng hạ tầng tốt mà còn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”. Chính vì thế, những năm qua xã tập trung vào phát triển thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã khuyến khích người dân thâm canh, đi sâu nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực là 100 ha cây cam sành; 40 ha cây chè, phát triển thêm cây ăn ăn quả có lợi thế như cam vinh, bưởi da xanh; chăn nuôi trâu, bò, cá… theo hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị như tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX). Đến nay, xã có 5 HTX hoạt động hiệu quả, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất chế biến chè; cung ứng vật tư, giống, kỹ thuật canh tác tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình, Hợp tác xã chè xanh Làng Bát sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm chè với 66 thành viên đã được Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn chuyển đổi sang trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã chè Làng Bát cho biết: Từ thực hiện Dự án đã nâng cao sản lượng chè búp tươi Làng Bát tăng lên 1,5 - 2 lần, đạt khoảng 18 - 20 tấn/ha/năm, giá bán tăng gấp đôi, từ 80.000 đồng/kg chè khô lên 160.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 69,7 triệu đồng/ha lên 127 triệu đồng/ha.
Xã Tú Thịnh (Sơn Dương) như khoác trên mình tấm áo mới, 100% đường thôn, xóm được cứng hóa, kinh tế người dân khấm khá nhờ phát triển đa dạng các sản phẩm nông lâm nghiệp. Thôn Tú Tạc có 271 hộ dân, trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới thôn đẩy mạnh việc vận động nhân dân thực hiện công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, mạnh dạn lựa chọn phát triển những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Theo đó, thôn tập trung trồng và chăm sóc trên 300 ha rừng, 12 ha mía, 5 ha chè cộng với chăn nuôi góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ dân. Nhờ đó, nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập cao và ổn định cuộc sống.
Tiêu biểu như gia đình các ông Nguyễn Văn Toàn, Lương Văn Ngọc, gia đình bà Lại Ngọc Hoa... có thu nhập mỗi năm đạt 200 - 300 triệu đồng từ trồng rừng, chăn nuôi. Bà Lại Ngọc Hoa phấn khởi cho hay, người dân trong thôn mừng nhất là làm được tuyến đường giao thông dọc thôn, việc đi lại của người dân thuận lợi nhiều, con gà, con lợn có giá hơn trước; có rừng gỗ bán cũng được giá hơn. Gia đình bà Hoa có 4 ha rừng trồng keo, nuôi ong lấy mật, nuôi gà ta thả vườn đẻ trứng, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Từ phát triển kinh tế gia đình, bà cũng như các hộ dân trong thôn đã góp công, góp của chung sức với nhà nước xây dựng hạ tầng nông thôn tốt hơn, phục vụ nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của quê hương.
Đồng chí Lương Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, tiêu chí thu nhập được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm thực hiện nhiều năm qua và tiếp tục đẩy mạnh những năm tới nhằm nâng cao đời sống của người dân. Xã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại tổng hợp, trang trại chăn nuôi; phát triển sản phẩm đặc trưng như tỏi đen, bánh khảo Sơn Thủy, tinh dầu hương nhu… Đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 37 triệu đồng/người/năm. Cán đích xây dựng nông thôn mới là “bàn đạp” để xã phát triển bền vững về mọi mặt trong những năm tiếp theo. Có thể thấy “làn gió” xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự đổi mới, tiến bộ trong cả nhận thức và hành động từ cán bộ đến người dân trên địa bàn tỉnh. Xây dựng nông thôn mới từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu, từ hy vọng đã trở thành khát vọng, từ nhận thức phải làm đã trở thành “muốn được làm”. Thành quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần rút ngắn khoảng cách từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết