Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội thảo góp phần tiếp tục thấm nhuần quan điểm thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế chính sách và nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu, yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế.
Về nội dung của Hội thảo, Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được; khẳng định công tác thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tiếp tục được quan tâm đạt được kết quả nổi bật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số kết quả cơ bản, trong đó có từng bước khắc phục tình trạng luật khung luật ống; song song với đó các thiết chế văn hóa, bộ máy, quản lý văn hóa ngày càng được hoàn thiện.
Nhiều chính sách văn hóa được ban hành tác động tích cực, thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa như phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa, lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa. Cùng với đó, nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Hội thảo cũng chỉ rõ, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chậm được thể chế. Khâu thực thi vẫn là khâu yếu...
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề bảo đảm thể chế và nguồn lực. Về thế chế và chính sách về văn hóa, liên quan văn hóa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa.
Các đại biểu tham dự Phiên toàn thể chiều 17/12. (Ảnh: DUY LINH)
Đồng thời, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời, trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa; sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII, nhất là những vấn đề mới.
Hội thảo đã thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Về chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện, con người phải được xác định là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu, mục tiêu của sự phát triển. Chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả.
Cùng với đó là các chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Hội thảo đã chỉ rõ, để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước.
Đại biểu trình bày tham luận trong Phiên toàn thể. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội thảo đã thống nhất kiến nghị một số nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Cụ thể, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa; rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa.
Đồng thời, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam; chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.
Trước đó, trong khuôn khổ Phiên toàn thể đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Nguồn lực cho phát triển văn hóa”, với sự tham gia của các diễn giả: Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải; nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Các diễn giả đã đề cập đến những vấn đề hiện đang được quan tâm như: phương thức đầu tư PPP, làm sao để nhà đầu tư thấy được cái lợi của đầu tư vào lĩnh vực văn hóa; kinh nghiệm sử dụng ngân sách nhà nước trong bảo tồn di sản, hồi hương một số cổ vật.
Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ ý kiến trong phiên Tọa đàm. (Ảnh: DUY LINH)
Về thể chế, nhà thơ Hữu Việt cho biết nhiều hoạt động, nhiều nội dung trong lĩnh vực văn hóa chưa được luật hóa trong đó có lĩnh vực văn học. Nhà văn cũng cần phải biết đường biên được làm gì, không được làm gì. Nắm được điều đó mới mở rộng được sức sáng tạo của người cầm bút. Đến nay, các cơ quan mới đang nghiên cứu để xây dựng nghị định trong lĩnh vực văn học. Mục tiêu đề ra là khai phá sức sáng tạo của người cầm bút thì nghị định mới thành công.
Cũng theo nhà thơ Hữu Việt, trong văn học yếu tố con người là yếu tố quan trọng bởi tính chất đặc điểm của bộ môn này, do đó cần chú trọng đầu tư cho con người. Nhà thơ Hữu Việt cho rằng, đầu tư nguồn lực con người phải đầu tư vào tiềm năng văn học và nó nằm ở thế hệ trẻ, phải để cộng đồng, thế hệ trẻ thấy được khuyến khích, tôn trọng, gánh trên vai trách nhiệm lưu giữ “chân - thiện - mĩ” của người Việt.
Gửi phản hồi
In bài viết