Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò lần đầu tiên xâm nhập và gây bệnh cho đàn trâu, bò trong tỉnh từ tháng 4-2021. Chỉ trong thời gian ngắn bệnh viêm da nổi cục đã được ghi nhận tại 82 xã trên địa bàn 7 huyện, thành phố với 905 con trâu, bò mắc bệnh, làm chết 100 con bò. Ngay sau khi dịch bệnh phát sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND các huyện, thành phố tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và hướng dẫn cách xử lý khi có trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục; cấp phát 15.000 lít dung dịch khử trùng chuồng trại chăn nuôi cho các huyện, thành phố. Vắc xin được khuyến cáo sử dụng tiêm phòng viêm da nổi cục gồm Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ do Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y AMAVET nhập khẩu và Mevac LSD của Ai Cập do Công ty TNHH Thú y Đông Phương nhập khẩu.
Ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương cho biết, huyện có 15.886 con trâu và 11.735 con bò, trong đó có một số trang trại chăn nuôi bò tập trung, số lượng lớn. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện đầu tiên vào ngày 13-4-2021 tại xã Tú Thịnh. Chỉ trong thời gian ngắn bệnh đã lan rộng ra địa bàn 27 xã, thị trấn. Trước diễn biến phức tạp, lây lan nhanh của bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện trích nguồn ngân sách mua 8.000 liều vắc xin viêm da nổi cục hỗ trợ các xã tiêm phòng dịch bệnh. Cùng với đó, huyện vận động người dân tự mua vắc xin bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Một số xã như Tam Đa, Văn Phú, thị trấn Sơn Dương người dân đã tự nguyện mua vắc xin tiêm cho đàn trâu bò.
Người dân xã Hoàng Khai (Yên Sơn) phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tránh lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục.
Ông Vũ Quốc Đạt, nhân viên Thú y xã Tam Đa (Sơn Dương) cho biết, cuối tháng 4 trên địa bàn 4 thôn của xã có 14 con bò bị viêm da nổi cục, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu, bò của gia đình để khoanh vùng dập dịch. Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh viêm da nổi cục, tất cả các hộ chăn nuôi trong xã đều đăng ký tiêm phòng cho đàn vật nuôi qua cán bộ thú y xã. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ 1.350 con trâu, bò trong xã đã được tiêm phòng viêm da nổi cục. Đến ngày 1-6 xã ghi nhận con bò cuối cùng mắc bệnh viêm da nổi cục, không ghi nhận thêm ca bệnh phát sinh mới.
Tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên, Lâm Bình, Yên Sơn dịch viêm da nổi cục cũng cơ bản được kiểm soát. Bà Đặng Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết, đến đầu tháng 8 trên địa bàn huyện có 4.246 con trâu, bò của 25 xã, thị trấn được tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục, huyện ghi nhận ca bệnh cuối cùng vào ngày 15-6 tại xã Hoàng Khai. Hiện có 18/20 xã đủ điều kiện công bố hết dịch. Theo bà Hoa, bệnh viêm da nổi cục có thể phòng tránh bằng cách vệ sinh tiêu độc sát trùng thường xuyên chuồng trại, tăng cường sức đề kháng bằng các loại thuốc bổ trợ như Vitamine C, đường Glucose, Catosal, Multivitamine… Những con phát bệnh dùng thuốc hạ sốt, kháng sinh liều nhẹ, kháng viêm… kết hợp sát trùng vết thương. Nhờ chữa trị đúng cách trong tổng số gần 60 con mắc bệnh viêm da nổi cục trên toàn huyện chỉ có 6 con bị chết phải tiêu hủy.
Anh Lưu Văn Ngân, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, là đơn vị chuyên cung ứng giống trâu, bò nuôi vỗ béo cho người dân trên địa bàn tỉnh, đơn vị thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch trong việc mua bán, vận chuyển trâu, bò. Tất cả trâu, bò mua về sẽ được cách ly tại khu chuồng riêng trong vòng 14 ngày để theo dõi sức khỏe và tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng các bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trước khi cung ứng cho các đơn vị chăn nuôi.
Bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các địa phương không được chủ quan lơ là mà vẫn phải tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Trong đó, tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng; thực hiện nuôi nhốt trâu, bò nhằm tránh các nguy cơ lây lan dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, nhất là đàn bê, nghé để hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết