Thành phố Tuyên Quang là địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất trong tỉnh, với 1.065 ca, 100% ổ dịch đã được xử lý, hạn chế thấp nhất sự lây lan của bệnh. Công tác tuyên truyền được các địa phương tăng cường, vận động người dân thực hiện chiến dịch tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh SXH. Thành phố đã thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức của người dân về phòng bệnh SXH trên địa phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) được cải thiện rõ, không để sinh lăng quăng khu vực xung quanh nhà. Một số xã, phường trên địa bàn thành phố đang bùng phát dịch SXH mạnh thì đến nay phường Đội Cấn là địa phương ghi nhận số ca mắc SXH thấp nhất so với các địa phương khác là 3 ca.
Bà Bàn Thị Lùi, tổ 8, phường Đội Cấn chia sẻ: “Nhà có 2 cháu nhỏ, tôi rất sợ cháu bị SXH nên thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà cho sạch đẹp, không để âm u, nước đọng sinh lăng quăng, muỗi gây bệnh cho cháu. Thường xuyên được tuyên truyền về phòng, chống các loại dịch bệnh, trong đó có dịch SXH nên tôi và nhiều hộ dân ý thức hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, bảo vệ sức khỏe cho gia đình”.
Cán bộ y tế tuyên truyền người dân các biện pháp phòng chống dịch SXH.
Huyện Lâm Bình hiện nay là một trong 2 địa phương trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc SXH nào. Theo ông Nguyễn Ngọc Chinh, Trưởng phòng Y tế huyện Lâm Bình: Những năm trước trên địa bàn huyện cũng ghi nhận vài ca mắc trong năm, năm nay cộng tác viên y tế các thôn bản, tổ dân phố thường xuyên hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh và phát tờ rơi tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của bệnh và tăng cường các biện pháp phòng tránh. Hơn nữa, các hộ dân chủ yếu trữ nước trực tiếp, ít chứa nước mưa sử dụng hơn trước nên lăng quăng phát sinh ít.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên trên địa bàn tỉnh (ngày 21-7) đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.098 ca mắc SXH. Trong đó, thành phố Tuyên Quang là địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất với 1.065 ca, huyện Yên Sơn 20 ca, huyện Na Hang 9 ca, huyện Hàm Yên 3 ca và huyện Sơn Duong 1 ca. Hiện có huyện Chiêm Hóa và huyện Lâm Bình chưa ghi nhận ca mắc SXH.
Bác sỹ Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, SXH Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa bệnh SXH vẫn là đề phòng muỗi đốt, chú trọng diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên, tránh để dịch lan rộng. Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế thì ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm, chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch SXH.
Với sự chủ động về mọi mặt trong công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc, đặc biệt không để phát sinh thành dịch SXH trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về phòng chống SXH cho người dân, chủ động phòng chống và điều trị, không để bệnh diễn biến nặng, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết