Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Lễ hội gò Đống Đa) diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay thành phố đã ban hành những văn bản về tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024. Trong đó, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo số 4367/UBND-KGVX ngày 25-12-2023 và Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 15-1-2024 về quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, năm nay lễ hội sẽ được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo, hiện Hà Nội có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024 với nhiều quy mô khác nhau. Bên cạnh đó, vào những ngày đầu năm mới thường diễn ra các hoạt động "dâng sao giải hạn".
Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình Bùi Minh Hoàng cho biết, hiện nay, Sở VH-TT đẩy mạnh tuyên truyền nhằm, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Sở cũng yêu cầu các địa phương chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, của lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những lễ hội có yếu tố sông nước (các hoạt động rước nước, chèo thuyền trên sông) phải bảo đảm an ninh, an toàn cho những người tham gia.
Hiện nay, Hà Nội có những lễ hội lớn, tập trung vào ngày mùng 5 và 6 Tết đó là: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh).
Tại hội nghị, đại diện các địa phương cho biết, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cơ bản đã chuẩn bị sẵn sàng, trong đó nhiều lễ hội có nét mới. Đại diện quận Đống Đa cho biết với lễ hội Gò Đống Đa khởi đầu cho mùa lễ hội tại Hà Nội, đơn vị đã có nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch để thực hiện tốt các công tác phục vụ cho sự kiện. Quận Đống Đa có bãi đỗ xe miễn phí, không có bán hàng rong trong khuôn viên tổ chức lễ hội; công tác chỉnh trang, chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Lễ hội Gò Đống Đa Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được thành phố tăng cường thêm một đêm nghệ thuật phục vụ nhân dân thưởng thức và vui xuân.
Đại diện huyện Mê Linh cho biết lễ khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm. Sau đó sẽ có một bộ phim 3D mapping trình chiếu để ca ngợi, tưởng nhớ công lao của Hai Bà. Đại diện huyện Sóc Sơn cho biết đơn vị sẽ đảm bảo việc "tất lộc" tại Hội Gióng được đảm bảo đúng như truyền thống và không xảy ra việc tranh cướp lộn xộn.
Đánh giá cao việc chuẩn bị công tác lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại các quận, huyện, thị xã, đồng chí Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh đây là năm đầu tiên Hà Nội triển khai thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Bên cạnh đó, các địa phương bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị chức năng đã có những văn bản triển khai để đảm bảo công tác lễ hội được diễn ra thành công tốt đẹp.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các địa phương cần tập huấn cho cán bộ, bộ phận phục vụ lễ hội thái độ, ứng xử đảm bảo môi trường văn hóa trong lễ hội đặc biệt trong những ngày đầu năm. Công tác bài trí, tổ chức lễ hội tại các địa phương phải trang trọng, thẩm mỹ. Để công tác tuyên truyền lễ hội hiệu quả, các địa phương nên đa dạng hóa hình thức thực hiện, đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên các website địa phương, nền tảng mạng xã hội, các phần mềm tiện ích... để người dân, du khách dễ tiếp cận, thực hiện.
"Phần lễ phải đảm bảo truyền thống của địa phương, quan tâm, chú ý tới phần chúc văn, nêu bật được đặc trưng, bản sắc văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Phần hội cần phải quán xuyến phần trò chơi, bán hàng, lưu tâm hạn chế đặt tiền lẻ và việc đặt hòm công đức sao cho hợp lý, trở thành sản phẩm văn hóa của Hà Nội", đồng chí Trần Thị Vân Anh lưu ý.
Tại Hội nghị, các đơn vị cũng tiến hành ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết