Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 4: Trao truyền tự hào cho các thế hệ người Việt về chiến công “đã đi vào lịch sử thế giới” (Tiếp theo và hết)

Bên cạnh việc nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái phủ nhận thành tựu nền văn học cách mạng, lợi dụng văn học để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, điều quan trọng là chúng ta phải quan tâm đầu tư chiều sâu để có thêm nhiều tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT-CTCM) có giá trị, qua đó nuôi dưỡng, trao truyền niềm tự hào về lịch sử dân tộc.

Đây là quan điểm của Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Không chấp nhận cách viết mờ ám, cách nhìn “càn rỡ” với lịch sử

Phóng viên (PV): Trong địa hạt sáng tác văn chương về đề tài lịch sử, một số cây bút đang quan tâm, thử nghiệm lý thuyết được gọi là “hư cấu lịch sử”. Là nhà văn tâm huyết với đề tài này và đã viết nhiều tác phẩm về lịch sử dân tộc, đồng chí nghĩ sao về xu hướng này?

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai: Những người bàn luận về “hư cấu lịch sử” đang chia làm hai ý kiến. Đầu tiên là xu hướng thêm thắt chi tiết, một số lời nói, hành động nhân vật, song không làm thay đổi dòng chảy lịch sử, tiểu sử nhân vật. Một xu hướng khác là “giả lịch sử”, “hư cấu lịch sử”-tức là chỉ mượn nhân vật, sự kiện lịch sử làm cái cớ còn lại thỏa sức tô vẽ, thậm chí thay đổi sự kiện lịch sử.

Là một người yêu thích lịch sử, tập trung sáng tác tiểu thuyết lịch sử, tôi cho rằng đã qua thời văn chương và sử học hòa làm một. Thời hiện đại, người viết sử phải dựa tư duy khoa học, nói có sách mách có chứng. Văn chương tồn tại là nhờ hư cấu, bất cứ đề tài nào cũng cần hư cấu, kể cả đề tài lịch sử. Song cần có một điểm dừng, một lằn ranh vô hình mà cá nhân tôi gọi là “đạo đức dân tộc”, thể hiện lý tưởng và niềm tin của cộng đồng. Ví dụ, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ là do nhân dân yêu mến mà tôn vinh, trao tặng. Không thể vì một vài trường hợp cá biệt quân nhân thoái hóa biến chất mà phủ nhận danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Vậy nên văn học viết về LLVT, CTCM không thể nào “giải thiêng”, bóp méo hình tượng Bộ đội Cụ Hồ.

Thêm vào đó, Luật Xuất bản hiện nay có quy định những nội dung và hành vi bị cấm; trong đó cấm “xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc”.

Vậy nên, người viết văn theo đuổi xu hướng “hư cấu lịch sử” là quyền của họ; song luôn có pháp lý và đạo lý liên quan đến vấn đề này, người viết văn chắc chắn không thể tùy tiện vượt quá giới hạn và vô nguyên tắc.

PV: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” như Đảng ta từng đánh giá. Nhưng một số người viết văn, qua tác phẩm hoặc qua phát ngôn và các hành động khác, đã cố tình hạ thấp tầm vóc lớn lao và bản chất chính nghĩa của cuộc chiến. Đồng chí lý giải như thế nào về động cơ của những cây bút này?

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai. 

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai: Bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai, để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có một số cá nhân cố tình đánh tráo khái niệm, cố chứng minh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một cuộc "nội chiến", "cuộc chiến ý thức hệ" hay là "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" giữa các nước lớn.

Những người viết văn đi theo quan điểm sai trái, lệch lạc vốn xuất phát là những người có “dây mơ rễ má” và hoài niệm về chế độ tay sai trước đây. Suốt bao năm họ “nhai đi nhai lại” những luận điểm hạ thấp cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như một lẽ tất yếu của việc “ăn cây nào rào cây đó”. Nhưng đáng quan ngại là một số ít nhà văn sinh trưởng trong chế độ ta, thậm chí có người từng là cán bộ cách mạng đã bị lôi kéo, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói cùng giọng điệu, viết cùng suy nghĩ thiên kiến và động cơ sai trái của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn và cơ hội chính trị.

Tôi cho rằng, họ đang “càn rỡ” với lịch sử, không thể chấp nhận được. Số ít nhà văn đó đang tự đánh mất giá trị của mình trong lòng công chúng, vì đó chỉ là những tiếng nói lạc lõng, tự bộc lộ tư duy lệch lạc và tư cách méo mó của mình. Những tác phẩm chứa những trang viết độc hại như vậy không thể xuất bản và phát hành chính thống vì nhận thức của toàn dân tộc đã trưởng thành, có đủ bản lĩnh, trình độ để nhận biết thế nào là đúng, thế nào là sai.

PV: Theo đồng chí, đâu là giải pháp căn cơ để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu sử dụng văn học với ý đồ chính trị không lành mạnh?

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai: Âm mưu, thủ đoạn sử dụng văn học để chống phá sự nghiệp cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta lựa chọn đã xuất hiện từ lâu. Khi có tác phẩm xấu độc ra đời, hiển nhiên chúng ta cần phản ứng kịp thời, mạnh mẽ thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là để phản bác các luận điểm sai trái, thù địch trong văn học phải là người có nghề mới nhận diện và đấu tranh hiệu quả. Tác phẩm văn học là một cấu trúc với nhiều thành tố hòa quyện, phải cẩn thận “bóc tách”, phân tích kỹ các thủ pháp nghệ thuật, hình tượng nhân vật, bối cảnh không gian, thời gian. Mục đích cuối cùng là nhận diện đúng tác phẩm xấu độc, tránh việc “chụp mũ” thiếu hiểu biết, phản tác dụng, nhất là tránh thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy vai trò của các hội văn học-nghệ thuật để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, định hướng tư tưởng cho các nhà văn là hết sức cần thiết. Ngoài một số nhà văn đã lạc lối vào hàng ngũ những kẻ phản động, một số nhà văn khác thực ra chỉ là a dua, thiếu bản lĩnh chính trị hoặc là cực đoan, đề cao “cái tôi” thái quá, thích nói ngược mọi chuyện, kể cả sự thật lịch sử. Do vậy, lãnh đạo các hội văn nghệ cần trao đổi thường xuyên để động viên các nhà văn giữ vững bản lĩnh, lập trường tư tưởng, không trực tiếp sáng tác hoặc cổ xúy xu thế sáng tác “giải thiêng” lịch sử; thay vào đó, tích cực sáng tác nhiều tác phẩm giá trị về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Điều quan trọng nhất là phải giúp các nhà văn luôn tự hào sâu sắc về lịch sử, nhận thấy sứ mệnh sáng tạo để xứng tầm với hiện thực lớn lao của cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc ta. Có tác phẩm giá trị, phù hợp với quan điểm chính thống sẽ góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, qua đó góp phần nuôi dưỡng những giá trị lịch sử tốt đẹp cho độc giả.

Nuôi dưỡng cảm hứng tự hào viết về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc

PV: Dư luận cho rằng sau thành tựu của thế hệ nhà văn lừng danh từng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thế hệ nhà văn kế cận sẽ bị “ngợp”, rồi “hụt hơi” trong sáng tạo. Đồng chí suy nghĩ gì về sự lo ngại này?

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai: Các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao. Chúng ta không thể đòi hỏi họ nhiều hơn nữa, nhất là khi đa số nhà văn thời chiến nay tuổi đã cao, sức sáng tạo ít nhiều giảm sút.

Tôi cho rằng chúng ta cần đặt niềm tin vào tài năng của thế hệ nhà văn đương đại. Họ chưa có nhiều sáng tác về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể họ chưa có cảm hứng sáng tạo đủ lớn. Họ không có trải nghiệm thực tế như thế hệ nhà văn đi trước, có lẽ vì thế nên nhiều cây bút chưa muốn viết những điều mà họ chưa thật sự am hiểu. Do vậy, họ cần thời gian để tìm hiểu, suy tư về hiện thực lớn lao, kỳ vĩ của cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta.

Khi đã viết về một giai đoạn lịch sử, các sự kiện, nhân vật, nếu như không muốn nói là cả kết cục đã có sẵn, sẽ tạo ra một bất lợi cho người viết. Nhưng nếu đặt ngược vấn đề là làm sao để kể lại một câu chuyện mà ai cũng biết kết thúc sao cho hấp dẫn cũng là một thử thách thú vị rất đáng để người cầm bút chinh phục. Điều chúng ta cần làm hiện nay là nuôi dưỡng cảm hứng niềm tự hào, niềm đam mê sáng tác về đề tài cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, từ đó tạo sức hút, sức hấp dẫn để các nhà văn đương đại hào hứng cầm bút khai phá về đề tài này.

PV: Về lâu về dài, để có thêm nhiều sáng tác có giá trị về đề tài LLVT-CTCM, theo đồng chí, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì?

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai: Muốn có tác phẩm lớn về đề tài LLVT-CTCM, xứng tầm với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông, chúng ta cũng nên kiên trì chờ đợi sự xuất hiện của những cây bút tài năng. Tất nhiên, tài năng văn chương không phải muốn là có. Việc nhà văn viết như thế nào, thành công hay không còn phụ thuộc vào khả năng thiên phú, bản sắc văn phong và sự sáng tạo, sức tưởng tượng của mỗi người viết.

Các nhà nghiên cứu văn học đã đúc kết ra một giải pháp có tính quy luật, đó là cần chủ động tạo ra môi trường sáng tạo thật sự thuận lợi để tạo cú hích cho tác phẩm giá trị ra đời. Một trong những tác phẩm văn chương viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tạo được tiếng vang gần đây là tiểu thuyết “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thông qua Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã đầu tư chiều sâu cho nhà văn Chu Lai sáng tác. Nhà văn Chu Lai có điều kiện tách mình ra khỏi đời sống thường nhật để hoàn thành cuốn tiểu thuyết giá trị, khi ông được tham dự nhiều trại sáng tác trong nhiều tháng trời. Vì vậy, ông đã cho ra đời tiểu thuyết “Mưa đỏ” thu hút đông đảo bạn đọc và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Trong tình hình hiện nay, theo tôi, các cơ quan liên quan cần “chọn mặt gửi vàng”, đầu tư tối đa để các nhà văn có đủ điều kiện cần thiết, phát huy hết tài năng. Không nên đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, vì làm như thế thường chỉ cho ra đời những tác phẩm “đọc được” nhưng khó có tác phẩm ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngoài ra, việc tổ chức những cuộc thi sáng tác văn học dài hơi về đề tài LLVT- CTCM nói chung, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, cũng cần được tính đến trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Các cơ quan liên quan cần phối hợp tháo gỡ những nút thắt về pháp luật, cơ chế, chính sách, ngân sách, tài chính, đầu tư... tạo nguồn lực, tạo không gian cho văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, sáng tác. Nhưng, đi đôi với đó là phải đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc, suy thoái, phi văn hóa. Bên cạnh đó phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực đủ mạnh cho đội ngũ văn nghệ sĩ phục vụ cho kỷ nguyên mới của dân tộc”.

(Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30-12-2024) 

Nhóm phóng viên VĂN HÓA (thực hiện)

Theo Báo Quân đội nhân dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục