Máu đổ cũng phải giữ được rừng
Khu rừng nghiến của Khuổi Bốc nằm chon von trên những ngọn núi tai mèo. Cả quần thể hơn chục cây, bám vào nhau suốt cả trăm năm, như những đôi tay khổng lồ níu chặt lấy bình yên cho bản làng.
Người ở Khuổi Bốc không biết rừng nghiến này có từ bao giờ, chỉ biết lớn lên, đã thấy chúng ngạo nghễ với đất trời, với thời gian ở đấy. Người trong bản không ai phải nhắc ai, cứ tự giác mà giữ lấy quần thể nghiến ấy, như giữ gìn chính mạng sống của mình.
Thế nhưng, người ngoài bản, lòng tham còn nhiều lắm. Người dân Khuổi Bốc không nhớ đã bao lần phải cùng nhau, cùng cán bộ kiểm lâm ngăn chặn những đối tượng muốn chặt phá rừng.
Bà con Khuổi Bốc bảo nhau thành lập Tổ tuần tra bảo vệ rừng để giữ lấy những cây nghiến cổ thụ. Tổ có 7 người, luân phiên nhau đi tuần theo ngày.
Bí thư Chi bộ, người có uy tín Đặng Văn Chuyên là Tổ trưởng. Anh Chuyên bảo, mình không nhớ đã bao lần phải hò nhau đi trong đêm, khi nhận được tin báo có người lạ vào rừng. Đêm tối như mực, những ánh đèn pin phải tắt hết để tránh gây động đến lâm tặc. Người ngửi hơi người, lần theo bản năng mà đi. Cũng may, lần nào cũng kịp thời cả, rừng vẫn yên bình...
Cán bộ kiểm lâm và người dân Khuổi Bốc nghỉ ngơi sau buổi tuần rừng.
Anh Triệu Quốc Kỳ - một thành viên của Tổ tuần tra bảo vệ rừng có những đêm về đến nhà đã 1 - 2 giờ sáng. Về đến nhà kiểm tra mới thấy máu thấm ướt cả ống quần. Là bởi, đi trong đêm mịt mùng, chân quệt vào đá tai mèo, vào cây gai rách toạc cả mảng da. Lúc đấy không thấy đau, bởi cái sốt sắng muốn đi thật nhanh, thật êm để giữ rừng thiêng cho cả bản nó thôi thúc mình bước vội.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Chuyện nguyên Trưởng Công an xã Bàn Sinh Dần - Nay là Phó Chủ tịch UBND xã Trung Minh - trong một lần đi đuổi lâm tặc, chẳng may ngã gãy chân vẫn được người Khuổi Bốc truyền tai nhau mãi. Có lẽ vì vậy, mà việc giữ bằng được rừng, dẫu có máu đổ, mồ hôi tuôn, người Khuổi Bốc vẫn quyết tâm đến cùng.
Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Đặng Văn Chuyên cũng đã 2 lần trực tiếp giáp mặt lâm tặc. Anh bảo, thấy đối tượng mang cưa máy, hùng hùng hổ hổ, mình cũng sợ chứ. Nhưng nếu sợ mà không dám lên tiếng, thì làm sao còn rừng nữa. Thế là mình vừa thuyết phục, vừa dọa dẫm, rồi nhanh tay bấm điện thoại gọi người trong bản, gọi kiểm lâm ứng cứu...
Chốt trưởng Chốt bảo vệ rừng ở Trung Minh Nguyễn Văn Sáng bảo, nếu không có dân thì chuyện giữ rừng ở Khuổi Bốc với lực lượng kiểm lâm thực sự vất vả. Cả chốt chỉ có 2 kiểm lâm viên và 2 nhân viên tuần rừng, không chỉ bảo vệ riêng diện tích rừng ở Khuổi Bốc mà cả xã Trung Minh. Chính những tai mắt từ cơ sở đã góp phần cho cuộc chiến giữ rừng nghiến ở Yên Sơn thành công đến bây giờ.
Một chuyến tuần rừng của người dân và lực lượng kiểm lâm.
Bình yên, no đủ nhờ rừng
Theo cụ Triệu Văn Thắng, năm nay đã gần 80 tuổi, thì rừng Khuổi Bốc thiêng lắm. Cả bản này chưa một lần bị lũ ống, lũ quét tàn phá cũng nhờ có rừng. Bản bốn mùa có nước trong mát, khí hậu trong lành, người người khỏe mạnh cũng nhờ rừng.
Trưởng thôn Khuổi Bốc Ma Thị Thực bảo, không chỉ thành lập tổ tuần tra, chuyện bảo vệ rừng ở Khuổi Bốc đã được đưa vào hương ước thôn. Chốt bảo vệ rừng được đặt ngay lối ra vào cửa rừng, nên người trong thôn không ai dám làm trái quy định cả. Vài năm trở về trước có cây nghiến lâu năm bị đổ, các anh báo cáo và được chủ trương để cây tại rừng và không khai thác để tránh việc lợi dụng khai thác ảnh hưởng đến những cây khác. Điều đó như ý nguyện của dân bản, để cây được “nằm trên đất mẹ” riêng ở Khuổi Bốc, diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là gần 100 ha.
Từ chính tình yêu với rừng, lại được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp từ sớm, nên diện tích rừng sản xuất ở Khuổi Bốc hiện cũng đạt trên 200 ha. Nhà ít 4 - 5 ha, nhà nhiều cả chục ha như nhà Lý Văn Đại, Dương Ngọc Huy, Lý Thị Ba. Nhà Lý Văn Chung vừa bán cả quả đồi cây keo, thu về hơn 400 triệu đồng. Ông Chung cũng đang chuẩn bị bán một đồi cây nữa, dự kiến thu về ít nhất 300 triệu đồng nữa.
Ở Khuổi Bốc, rừng tự nhiên xen lẫn rừng sản xuất, phủ màu xanh bao bọc khắp bản làng. Với những người con của rừng như Bí thư Chi bộ Khuổi Bốc Đặng Văn Chuyên, giữ rừng, bảo vệ rừng như đã ngấm vào máu, vào da thịt, tất cả để đổi lấy môi trường sống trong lành và bình yên cho chính mình và thế hệ mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết