Giữa tháng 3, tại Ngọ Môn-Đại Nội, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đón đoàn khách gần 600 người tham quan quần thể di tích Cố đô Huế, mở màn cho mùa du lịch hè năm 2022 của vùng đất Cố đô. Đoàn khách do Công ty Viettours tổ chức trong khuôn khổ chương trình du lịch hình thức Incentives (khen thưởng) và Teambuilding (giao lưu tập huấn/đào tạo), được bố trí thăm Đại Nội theo từng nhóm ở các khung giờ lệch nhau để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Trong tháng 2 và 3/2022, Thừa Thiên Huế đã đón hơn 215 nghìn lượt khách du lịch, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu từ du lịch ước đạt 165 tỷ đồng, tăng 2,4%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch ước đạt khoảng 245 nghìn lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt 269 tỷ đồng.
Những tín hiệu phục hồi khả quan từ du lịch nội địa những tháng đầu năm đã và đang tạo đà cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế tận dụng tốt thời cơ mở cửa lại thị trường, đón du khách quốc tế.
Ngành du lịch đã rà soát và hệ thống lại các hoạt động du lịch cộng đồng; xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tập trung chỉnh trang cơ sở vật chất, hạ tầng, chuẩn bị các phương án, điều kiện an toàn để bảo đảm điều kiện đón du khách tốt nhất. Qua đó, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ tại Thừa Thiên Huế; đồng thời thực hiện việc đón khách quốc tế sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" và tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, năm 2022, Festival Huế lần đầu được tổ chức theo hướng bốn mùa lễ hội, với gần 50 sự kiện văn hóa diễn ra liên tục, kéo dài trong năm, sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế. Ngoài thế mạnh về du lịch di sản, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng thương hiệu "Huế-Kinh đô áo dài", "Huế-Kinh đô ẩm thực", tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, đặc sắc.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục hồi hoạt động khai thác các di tích phục vụ du lịch, chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch mới vào ban đêm. Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đơn vị đang phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia I để sớm tổ chức triển lãm "Châu bản triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng", đồng thời sẽ ra mắt phiên bản bộ kim bảo triều Nguyễn (những chiếc ấn của vua bằng chất liệu gốm mạ vàng)...
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng đang triển khai các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch nội địa. Chẳng hạn, Hội Lữ hành tỉnh đã tổ chức đoàn famtrip, khảo sát sản phẩm mới tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô, kết nối triển khai các tour đi A Lưới, phá Tam Giang. Dự kiến vào quý IV năm 2022, dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 thuộc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác với công suất 5 triệu hành khách/năm. Đây là tiền đề quan trọng để Thừa Thiên Huế kiến nghị mở thêm nhiều đường bay thẳng quốc tế, thu hút nhà đầu tư và du khách quốc tế đến với địa phương.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND (ngày 17/3/2022) về mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch. Theo đó, tỉnh tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất để đón khách của các doanh nghiệp du lịch; phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe; hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường như sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái...; tổ chức xuyên suốt các hoạt động phục vụ Festival bốn mùa; đẩy mạnh hợp tác giữa các điểm du lịch, vùng liên kết du lịch và các địa phương du lịch.
Để kích cầu du lịch, Thừa Thiên Huế sẽ miễn vé tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế trong năm 2022, giảm 50% giá vé tham quan vào năm 2023. Bên cạnh đó, hỗ trợ loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...), Teambuilding và các đoàn Charter, cụ thể áp dụng giảm thêm 10% phí tham quan trên mức đã giảm 50% năm 2023; hỗ trợ các gói liên quan cơ sở lưu trú, hội trường, ăn uống. Ngoài ra, Huế sẽ tái hiện lễ hội cung đình để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để chuẩn bị cho du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại, Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tăng cường chỉnh trang, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách; tập trung khôi phục du lịch nội địa và sẵn sàng đón khách quốc tế, xây dựng các điểm đến an toàn, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch.
Theo ông Giang, để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành du lịch sẽ phối hợp giải quyết các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp, như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% theo quy định; tiếp tục giảm giá nước ba tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Ngành sẽ tiếp tục đề xuất gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp đến hết năm 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022, cho doanh nghiệp du lịch vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Gửi phản hồi
In bài viết