Hai mươi mốt năm sau khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930), yêu cầu cách mạng đòi hỏi Đảng phải đề ra những quyết sách phù hợp về đường lối và tổ chức. Trước yêu cầu đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngay sau cuộc họp Hội đồng Chính phủ đúng ngày mồng 1 Tết Tân Mão 1951. Trước cuộc họp Hội đồng Chính phủ Bác Hồ sang chúc tết các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và tặng mỗi người một tờ thiếp hồng có bài thơ Xuân của Người.
Đại hội II của Đảng đã đánh dấu một bước thay đổi lớn về mặt tổ chức Đảng, đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới: Đảng Lao động Việt Nam. Đồng thời, Đại hội xác định rõ ba nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất; xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến làm cho người cày có ruộng; phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 29 đồng chí; tôn vinh và bầu Bác Hồ là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại là Tổng Bí thư. Tại Đại hội đã thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng...
Thanh niên xã Kim Bình (Chiêm Hóa) tìm hiểu về lịch sử Đại hội II của Đảng
được tổ chức vào tháng 2-1951 tại xã Kim Bình. Ảnh: Đức Anh
Đại hội II cho thấy ý Đảng hợp với lòng dân, kết tinh thành sức mạnh dân tộc để làm nên thành công của Đại hội và nhân thêm niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đại hội II của Đảng là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta về mọi mặt, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, đặt cơ sở cho việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nước nhà.
Thành công của Đại hội II năm ấy có sự góp sức không nhỏ của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Quân dân Tuyên Quang nhất là nhân dân Chiêm Hóa, nhân dân xã Vinh Quang và các xã lân cận rất phấn khởi và vinh dự được tham gia công việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho đại hội: Khai thác, vận chuyển máy móc, gỗ, tre, nứa, lá, làm đường, làm nhà đào đắp hầm hào trú ẩn. Chỉ trong vòng 4 tháng, gần 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá đã được xây dựng kiến trúc giản tiện và trang nhã, gồm hội trường lớn, nhà ở của đại biểu, nhà khách quốc tế, nhà triển lãm, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, chỗ ở của các nhà báo, quay phim, nhiếp ảnh, nhà ở của bộ đội bảo vệ và khu vực hậu cần... Các ngôi nhà được xây dựng dưới tán cây to. Riêng hội trường lớn giữ nguyên cây to dùng làm cột, mái phủ. Bên cạnh hội trường lớn có hầm chắc chắn, đắp cao như gò, có dầm chống kiên cố, nóc hầm trồng cây xanh, xung quanh hầm là hệ thống hào giao thông. Công việc xây dựng tiến hành hết sức khẩn trương và luôn đảm bảo bí mật, đúng như lời Bác dặn “trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì”.
Trong lời khai mạc đại hội Bác Hồ đã cảm ơn đồng bào địa phương. Số vật liệu đóng góp cụ thể được ghi trên bức trướng hiện lưu tại bảo tàng Cách mạng: “Vật liệu: đều lấy ở xung quanh. Đã dùng trên 100 cây mí, 1 vạn cây mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5 ngàn thước vuông gỗ xẻ. Làm đất: Đào đắp trên 3.000 thước khối để làm nền nhà, đường đi, hầm tránh máy bay. Nhân dân đã dùng trên 7.000 công chuyên môn và 1 vạn dân công”.
Nhân dân Chiêm Hóa, nhân dân Tuyên Quang còn đóng góp hàng chục tấn lương thực thực phẩm phục vụ đại hội; tham gia canh gác vòng ngoài và nhất là giữ bí mật tuyệt đối hai địa điểm Kiên Đài và Kim Bình suốt quá trình trước, trong, sau đại hội và các sự kiện lớn tổ chức sau đó là Hội nghị thống nhất Việt Minh Liên Việt, Hội nghị liên minh Việt Miên Lào, Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất. Công tác kiểm tra, ý thức chấp hành kỷ luật được mọi người từ chiến sỹ bảo vệ đến lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước tuân thủ nghiêm ngặt, như câu chuyện về chiến sỹ Lý Phúc Nha kiểm tra giấy ra vào của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do làm tốt công tác bảo vệ, đảm bảo bí mật tuyệt đối nên suốt thời gian đại hội không phải đánh một hồi kẻng báo động, các trận địa bảo vệ không phải nổ súng. Đóng góp của quân dân Tuyên Quang đối với An toàn khu và cuộc kháng chiến là rất lớn. Tuyên Quang hoàn thành xuất sắc vị trí thủ đô của nhà nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.
Trước thềm Xuân Tân Mão 2011 (ngày 28-1), Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Phát biểu tại xã Kim Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vùng đất Kim Bình đã ghi dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, từ đây đã tỏa ra ánh sáng đường lối chiến lược của Đảng là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Xuân Tân Sửu 2021, tròn 70 năm Đại hội Đảng lần thứ II diễn ra trên quê hương cách mạng Kim Bình. Đại hội II của Đảng vào mùa xuân Tân Mão 1951 là tiền đề thành công cho các kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng sau này đưa ra những quyết sách, chủ trương lớn trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay. Gần đây nhất, chúng ta lại hân hoan phấn khởi tràn đầy niềm tin và hy vọng về tương lai tươi sáng từ sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm, quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2021 - 2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước)...
Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng, trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Kim Bình đã đoàn kết, vận dụng sáng tạo bài học về sức mạnh toàn dân, thực hiện các khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa xã Kim Bình ngày càng phát triển, mang lại diện mạo mới cho quê hương cách mạng. Cơ sở hạ tầng, trường lớp học, bệnh viện... được xây dựng khang trang; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa sạch đẹp; phương thức sản xuất của người dân chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa.
Nhiều hộ dân đã mạnh dạn thực hiện một số mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa với trên 9 trang trại tổng hợp và 30 mô hình trồng cây ăn quả, trồng rau, nuôi thủy sản cho chu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người là 36,1 triệu đồng/người/năm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận hàng hóa như Rượu chuối Kim Bình, Mắm cá chép ruộng Cổ Linh... Công tác giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,69%; đạt chuẩn quốc gia các cấp học; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách cho người nghèo và dân tộc thiểu số thực hiện tốt, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao.
Một mùa xuân mới đang về trên quê hương cách mạng Kim Bình. Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt, đời sống của người dân Kim Bình sẽ ngày càng được nâng cao, để mỗi mùa xuân mới sẽ là những mùa xuân no ấm.
Gửi phản hồi
In bài viết