Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm: Xuất khẩu ổn định trong bối cảnh dịch bệnh

- Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất chè không có đầu ra, sản phẩm ứ đọng, tồn kho thì sản phẩm chè đen, chè xanh của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm có đơn hàng xuất khẩu ổn định vào thị trường các nước châu Âu. Có được kết quả đó là do công ty giữ được thương hiệu chè an toàn đạt tiêu chuẩn EU từ chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Tổ sản xuất chè an toàn 23 Quyết Thắng kiểm tra dịch hại trên cây chè.

Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm là doanh nghiệp chè đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn thực hiện chương trình hợp tác công tư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tập đoàn Unilever năm 2016. Đây là tập đoàn hóa mỹ phẩm và tiêu dùng lớn đang tiêu thụ 15% sản lượng chè thế giới. Tập đoàn đã hỗ trợ công ty thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và thu mua ổn định sản phẩm đạt chứng chỉ Rain Forest.

Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty chia sẻ: Ngoài sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và Nhật Bản như đã cam kết với tập đoàn Unilever thì phải thực hiện những yêu cầu mang tính nhân văn của Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, yêu cầu phát triển kinh doanh đi đôi với quan tâm thực hiện tự giác 10 nguyên tắc gồm: Bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và điều kiện làm việc người lao động, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động, quan hệ cộng đồng, quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM, quản lý và bảo tồn đất và quản lý rác thải tổng hợp. Đây là 10 nguyên tắc không thể tách rời quy trình sản xuất chè an toàn. Sản phẩm chè chỉ đạt chứng chỉ khi thực hiện quy trình đảm bảo các nguyên tắc trên. Nói cách khác, đó chính là phương pháp để tạo ra sản phẩm chè đạt yêu cầu của đơn vị tiêu thụ.

Để thực hiện hiệu quả tiêu chuẩn này, 5 năm qua, công ty đã có nhiều giải pháp và giải pháp tối ưu nhất là liên kết nhóm hộ sản xuất chè với doanh nghiệp. Giám đốc Lê Quang Chuyền cho biết: Năm 2016, công ty cũng đã thực hiện liên kết với người nông dân theo hình thức ký hợp đồng với từng hộ nhưng cách làm này không hiệu quả vì quản lý khó do các hộ có diện tích ít, manh mún. Công ty thành lập Tổ sản xuất chè an toàn theo từng nhóm hộ có diện tích chè gần nhau. Các hộ tham gia liên kết này là tự nguyện, có điều lệ hoạt động được người dân tham gia cùng xây dựng. Các tổ bầu tổ trưởng, tổ phó; tổ trưởng là người thay mặt các thành viên trong tổ ký hợp đồng với công ty. Các thành viên Tổ sản xuất chè an toàn phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do công ty đề ra, được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoàn trả tiền vật tư nông nghiệp thông qua sản phẩm chè búp tươi bán cho công ty.

Với việc thực hiện liên kết chặt chẽ, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng riêng cho chè theo tiêu chuẩn EU. Hiện nay, công ty có 10 tổ với khoảng 500 hộ dân tham gia. Tổ sản xuất chè an toàn 23 Quyết Thắng có 43 ha chè, sản lượng chè nhiều nhất công ty, năng suất bình quân đạt trên 30 tấn/ha/năm. Chị Nguyễn Ngọc Thúy, Tổ phó Tổ sản xuất chè an toàn 23 Quyết Thắng cho biết, tổ có 65 hộ liên kết sản xuất, việc liên kết đã giúp cho người dân đổi mới trong chăm sóc chè, các hộ thực hiện giám sát lẫn nhau trong sản xuất, nếu một hộ làm không đúng quy trình thì sẽ ảnh hưởng đến cả tổ, vì thế nên liên kết này đã gắn kết dân cư trồng chè hơn. Toàn bộ 43 ha chè được trồng và chăm sóc đạt tiêu chuẩn EU. Vì thế, dù thị trường giá cả bấp bênh, ảnh hưởng dịch Covid-19, chè búp nhiều nơi không bán được thì người dân liên kết với công ty vẫn có đầu ra ổn định với giá từ 4 nghìn đến 5,8 nghìn/kg chè búp tươi, tùy thuộc vào chất lượng chè từng lô.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Tổ sản xuất chè an toàn 23 Quyết Thắng phấn khởi, gia đình có gần 1 ha trồng chè liên kết với công ty nên đầu ra luôn đảm bảo, thu nhập tăng 30% so với trước. Chè được trồng theo hướng sạch, đảm bảo dịch hại nên đỡ chi phí đầu tư về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc. Đơn cử như trước  phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/lứa thì đến nay chỉ cần sử dụng 1 lần/lứa cho nên vừa giảm tiền mua thuốc vừa giảm công phun thuốc. Phân bón cho chè đảm bảo chất lượng vì được công ty cung ứng và giá thấp hơn so với giá thị trường. Người nông dân cũng giảm được chi phí đầu tư mua máy cắt cỏ, máy hái chè vì các thành viên trong tổ sử dụng chung.

Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm khẳng định: Mô hình tổ sản xuất chè an toàn đã đem lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp. Sản phẩm chè đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, làm tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất, thị trường mở rộng và ổn định. Doanh nghiệp chi phí cho đầu tư thấp vì không phải thuê đất, mua đất, không phải đầu tư trồng mới; xây dựng được tính minh bạch và cơ chế giám sát tập thể... Hiện nay, công ty đang quản lý 430 ha đất trồng chè, năng suất bình quân 25 tấn chè búp tươi/ha, có những diện tích vượt trội đạt 37 tấn/ha/năm. Công ty hiện có nhà máy chế biến với công suất 72 tấn chè búp tươi/ngày, trong đó có 1 xưởng sản xuất chè đen với 5 dây chuyền công suất 60 tấn chè búp tươi/ngày và 1 xưởng sản xuất chè xanh với công suất 12 tấn búp tươi/ngày. Công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn chè lớn trên thế giới.

Vì đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn nên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công ty vẫn có đơn hàng xuất khẩu ổn định sang những thị trường khó tính như Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga... Sản phẩm chè Mỹ Lâm được hàng triệu người trên thế giới tiêu dùng mỗi ngày với trên 90% sản lượng chè được tiêu thụ bởi tập đoàn Unilever, sản lượng đạt xấp xỉ 15.000 tấn trong 9 tháng năm 2021.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục