Duy trì đà tăng trưởng
Ngay từ đầu năm 2023 các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt đã quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… Nhờ đó, 8 tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13.765 tỷ đồng, đạt 67,5% kế hoạch (tăng 15,3% so với cùng kỳ). Trong đó, công nghiệp khai thác đạt 392,3 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12.285 tỷ đồng; công nghiệp điện 1.021 tỷ đồng; công nghiệp nước 64,9 tỷ đồng. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ, như: Bột barit tăng 101,5%; giấy đế xuất khẩu tăng 18,4%; gỗ tinh chế tăng 18,5%; giấy in, viết, phô tô thành phẩm tăng 17,7%, giày da tăng 13,2%...
Sản xuất đá làm vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng Tuyên Quang tại xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa).
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Long Bình An của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang với diện tích trên 2 ha, quy mô từ 30.000 m3 đến 50.000 m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào chạy thử hiệu chỉnh máy. Bà Cao Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cho biết, với mục tiêu mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất và chế biến ra các sản phẩm lâm sản sâu hơn, hướng tới các sản phẩm nội thất cao cấp phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu đã đầu tư xây dựng nên công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất của nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong lĩnh vực sản xuất ván ép, tự động hóa cao, nhằm đảm bảo sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất miền Bắc trong lĩnh vực. Để bắt kịp với xu hướng thời đại công nghệ số, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, công ty đã mời các chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ cho cán bộ, công nhân công ty với mục đích tạo ra các sản phẩm có chất lượng, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 4-2023 đã mở ra triển vọng rất lớn cho việc bao tiêu sản phẩm rau, củ quả cho người nông dân trên địa bàn. Tại buổi thăm và làm việc của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng đoàn công tác của UBND tỉnh vào cuối tháng 8 vừa qua tại nhà máy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao việc nhà máy hoàn thiện xây dựng và đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết tuần hoàn giữa nhà máy - hợp tác xã - người nông dân, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực chế biến rau, củ, quả xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra
Theo ngành Công Thương, dự báo những tháng cuối năm, các ngành sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn sản xuất, nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Trong 8 tháng qua, có 6/15 sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ gồm: Điện sản xuất giảm 49,6%; hàng may mặc xuất khẩu giảm 27,5%; xi măng giảm 21,7%; đường kính giảm 18,3%; bột giấy giảm 12,2%; chè chế biến giảm 8,7%...
Công nhân Công ty TNHH Hitarp Việt Nam, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) sản xuất bao bì xuất khẩu.
Ông Lee Hyung Hun, Quản lý sản xuất Công ty HITARP Việt Nam, Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, là đơn vị sản xuất bao bì, vải bạt xuất khẩu cho thị trường các nước Châu Âu, Nhật Bản, Myanmar, những tháng đầu năm công ty gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa nhiều tháng liên tiếp giảm sâu so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới giảm, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn như EU, Mỹ... Để hoàn thành kế hoạch sản xuất, xuất khẩu gần 10.000 tấn vải bạt/năm, công ty đã tập trung sản xuất, thắt chặt chi phí, cắt giảm tất cả các khoản chi không cần thiết để hạ giá thành sản phẩm về mức tốt nhất, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất của nhà máy.
Đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để vượt qua khó khăn, thách thức, giữ được mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thời gian tới, sở tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và thuận lợi hơn trong hưởng các chế độ, chính sách về vốn (như rà soát để tiếp tục thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí; hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp…), để có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, tạo sự tăng trưởng đột phá sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, bao bì...
Với những giải pháp đồng bộ, tỉnh đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.400 tỷ đồng đã đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết