Đồng hành cùng nông dân

- Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp không chỉ giúp người nông dân quản lý quy trình sản xuất, tiếp cận, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử mà còn giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Xác định được tầm quan trọng đó, Hội Nông dân tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân chuyển đổi số.

Đầu tháng 7 này, hơn 100 cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) đã được tập huấn chuyển đổi số về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản do Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức. Tại hội nghị này, cán bộ, hội viên nông dân đã được hướng dẫn cách thức tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; hướng dẫn tạo tài khoản tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng...

Ông Triệu Văn Giáp, thôn Nà Chám, xã Kiên Đài cho biết, khi nghe về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi cũng thấy khá lạ lẫm, cứ nghĩ đấy là việc của Nhà nước. Nhưng khi được cán bộ Hội giải thích, phân tích về ứng dụng, tôi thấy đây là việc cần thiết để mỗi người nông dân chúng tôi thay đổi phương thức kinh doanh mới, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Hiện nay, với vai trò cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị cho người nông dân những kiến thức về chuyển đổi số để tự thay đổi nhận thức, tư duy, qua đó tự nguyện tham gia tiến trình chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Vĩnh An cho biết, chuyển đổi số giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, không qua khâu trung gian, không mất phí quảng bá hàng hóa; người tiêu dùng nắm được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Để hỗ trợ nông dân, tháng 4 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh ký kết thỏa thuận, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chính, gồm: Phối hợp tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm; triển khai chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao; hợp tác xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất giá trị bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển lực lượng cộng tác viên, đại lý bán hàng; Bưu điện tỉnh cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi. 

Hội Nông dân tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2022, xây dựng và phát triển 50.000 tài khoản mua, bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Riêng trong tháng 7, 100% huyện hội và các cơ sở hội hoàn thành việc đào tạo, tập huấn chuyển đổi số. Tính đến 20-7, 100% huyện, thành phố và 63 cơ sở hội hoàn thành việc tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên. Hội Nông dân các cấp cũng đã hỗ trợ hơn 20.000 hội viên, nông dân đăng ký tài khoản tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 40 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản được đăng tải trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Một số sản phẩm được tiêu thụ và khách hàng đặt nhiều như: Rượu ngô men lá Trung Phong (Na Hang), chè Sử Anh (Yên Sơn) và mật ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang)...

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh cho biết, cuối năm 2021, sản phẩm chè của HTX được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và hiện nay, lượng hàng hóa tiêu thụ trên sàn của HTX chiếm khoảng 10%. Qua gần một năm ứng dụng công nghệ số sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, anh Sử thấy, bán hàng trên sàn khá nhiều tiện ích, đó là người dân không mất phí quảng bá sản phẩm, sản phẩm được nhiều người biết đến nhiều hơn, cơ hội phát triển sản phẩm rộng rãi hơn.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của nông dân vẫn còn sơ khai. Bởi “rào cản” lớn nhất vẫn là thay đổi tư duy của người nông dân sản xuất theo hướng hiện đại. Bởi vậy, để thích ứng với chuyển đổi số, song song với việc nỗ lực nâng cao kỹ năng số cho người nông dân của các cấp Hội, người nông dân cũng phải tích cực chủ động học hỏi để bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, đặc biệt là việc chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục