Hiệu quả “kép” đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch

- Sau khi đã được gắn sao OCOP, nhiều chủ thể đã chủ động liên kết đưa sản phẩm vào hoạt động du lịch của địa phương bước đầu mang lại hiệu quả “kép”. Hoạt động du lịch phong phú hơn, sản phẩm OCOP có cơ hội để vươn xa.

Gần 1 năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) chủ động liên kết với các nhà hàng, khách sạn trong Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm để bày bán chè Ngọc Thúy đã được chứng nhận OCOP tiêu chuẩn 4 sao. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, liên kết với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều người biết đến sản phẩm chè của HTX hơn nên sức tiêu thụ sản phẩm vì thế cũng nhiều hơn. Trước đây, HTX chủ yếu giao buôn cho các đại lý thì hiện nay đã có rất nhiều đơn hàng bán lẻ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh Sử tính toán, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đang được đầu tư mở rộng, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng sẽ rất lớn nên ngoài việc duy trì hoạt động quảng bá, giới thiệu cung cấp sản phẩm chè HTX sẽ kết nối để mở dịch vụ du lịch trải nghiệm. Du khách có thể trực tiếp tham gia vào hoạt động thu hái, chế biến, thưởng thức sản phẩm chè đặc sản của địa phương. Làm được việc này sẽ kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của khách và giúp phát triển sản phẩm của HTX bền vững hơn.


Sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại khuôn viên Nhà khách Minh Thanh (TP Tuyên Quang).

Các chủ thể sản xuất, người dân xã Tân Trào (Sơn Dương) từ lâu đã tranh thủ khách đến tham quan, tìm hiểu Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào để quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp địa phương. Cũng từ hoạt động này mà các sản phẩm của bà con nông dân làm ra như chè đặc sản Vĩnh Tân, mật ong hương rừng... được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. 

Ông Lê Quốc Thu, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cho rằng, đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch vùng miền, địa phương bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, làm phong phú cho hoạt động du lịch, tạo thêm không gian cho du khách trải nghiệm. Đây cũng là hướng đi mà ngành du lịch tỉnh đang hướng đến. Toàn tỉnh có 52 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản cho người dân.

Báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hết năm 2020, toàn tỉnh có 79 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao và dư địa để phát triển vẫn còn rất lớn. Đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch sẽ tạo điều kiện để sản phẩm vươn xa hơn và người nông dân có cơ hội làm giàu trên chính làng quê của mình.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục