Nỗi lo thiếu nước sản xuất vụ xuân

- Vụ xuân này toàn tỉnh gieo cấy được 18.765 ha lúa xuân trong khung thời vụ. Hiện trà lúa xuân đang ở thời kỳ đẻ nhánh cần nước ngâm chân, dưỡng lúa. Tuy nhiên từ đầu vụ sản xuất đến nay trời hanh khô kéo dài, lúa đang đứng trước nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Hiện ngành Nông nghiệp và các địa phương khuyến cáo người dân bám sát đồng ruộng, chủ động các biện pháp cấp nước kịp thời, không để xảy ra tình trạng hạn.

Nguy cơ thiếu nước

Đầu vụ sản xuất thời tiết thuận lợi, không xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy vụ xuân. Tuy nhiên, từ đầu vụ sản xuất đến nay thời tiết khô hanh kéo dài, hầu hết các công trình thủy lợi, hồ đập chứa nước đã xả nước phục vụ đổ ải và dưỡng lúa nhưng không được bù đắp lượng nước hao hụt do chưa có mưa lớn nên nguy cơ diện tích lúa xuân gặp hạn đang hiện hữu tại một số địa phương.

Chỉ tay vào mỏ nước cạn khô, bà Ma Thị Nhi, Trưởng thôn Noong Phường, xã Minh Quang (Lâm Bình) chia sẻ, cả 6 ha lúa xuân của thôn trông chờ vào mỏ nước phun tự nhiên này, tuy nhiên nhiều tháng nay trời không mưa, mỏ nước cạn toàn bộ diện tích nước của thôn có nguy cơ bị hạn, một số diện tích lúa đã ngả vàng, người dân trong thôn đang tích cực bơm nước tại các ao của gia đình để dưỡng lúa.

Vụ xuân năm nay, huyện Sơn Dương gieo cấy  5.131,2 ha lúa, chủ yếu là trà chính vụ và trà muộn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xuất hiện mưa lớn, nguồn sinh thủy tại các hồ thủy lợi ngày càng suy giảm. Huyện có  20 trạm bơm thì hơn 1 nửa số đó trong tình trạng không thể hoạt động do sông, suối không đủ lượng nước. Ông Tống Văn Dương, Trưởng Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Đông Thọ cho biết, xã hiện có 28 công trình thủy lợi lớn, nhỏ và 1 trạm bơm tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa xuân.

Người dân xã Minh Quang (Lâm Bình) bơm nước từ ao tưới cho cây trồng đang bị khô hạn.

Tuy nhiên thời điểm này mực nước tại các hồ chứa, công trình thủy lợi chỉ còn khoảng 40 - 50% dung tích thiết kế, thậm chí có một số hồ chứa cận kề mực nước chết. Hiện các diện tích lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh mạnh rất cần nước dưỡng nhưng các hồ chứa xả nước cầm chừng, tiết kiệm, nếu trời tiếp tục không có mưa nguy cơ hạn có thể xảy ra. Đặc biệt, 15 ha lúa của thôn Xạ Hương đã xảy ra tình trạng hạn, một số diện tích lúa đã vàng lá.

Nguyên nhân là do diện tích lúa này phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm 30KW đặt tại sông Lô nhưng thời điểm này mực nước sông Lô xuống thấp máy bơm bị treo không thể hoạt động. Theo ông Dương hiện nay diện tích này chỉ trông chờ vào nước mưa bởi năm nay thủy điện Tuyên Quang chỉ  có 2 đợt xả nước và đã kết thúc vào đầu tháng 2. Không chỉ có trạm bơm Xạ Hương mà hầu hết trạm bơm của các xã dọc sông Lô của huyện Sơn Dương như xã: Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Vân Sơn, Trường Sinh... đang trong tình trạng treo máy.

Thiếu nước không chỉ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng mà còn gây phát sinh một số sâu bệnh hại. Tại một số diện tích lúa xuân xuất hiện chuột và dế cắn lúa, người dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ. Bà Trần Thị Huệ, thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, thời điểm này lúa đang đẻ nhánh tuy nhiên trên những diện tích lúa của gia đình do không có nước ngâm chân lúa nên đã xuất hiện chuột, dế cắn lúa. Hiện gia đình đang tích cực phun thuốc phòng trừ dế và quây nilong phòng trừ chuột gây hại.

Chủ động các giải pháp chống hạn

Theo báo cáo của Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, hiện toàn tỉnh có 2.887 công trình thủy  lợi lớn, nhỏ hiện nay đa số các hồ chứa phục vụ tưới tiêu thủy lợi chỉ còn 60 - 70% dung tích thiết kế. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 3 tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Vì thế, mực nước trên các sông và hạ du sông Lô sẽ bị thiếu hụt 20 - 30% trong tháng 3 và 4.

Trạm bơm của xã Đông Thọ (Sơn Dương) nằm trên sông Lô đã treo máy nhiều ngày.

Để bảo đảm đủ nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân, ngành nông nghiệp đề nghị các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, lịch xả  nước của thủy điện Tuyên Quang để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cấp nước cho diện tích sản xuất vụ xuân. Các huyện có nhiều diện tích vụ xuân xa nguồn nước, địa hình cao, cần xác định cụ thể vùng khó khăn để đưa ra các giải pháp chống hạn sát thực tế khả năng cấp nước của hệ thống thủy lợi... Các Ban Quản lý các công trình thủy lợi tiếp tục vận hành tối đa trạm bơm dã chiến ven các sông, suối khi mực nước đủ điều kiện khai thác để tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao hồ; đồng thời, thực hiện giải pháp giữ nước, chống rò rỉ, thất thoát, sử dụng tiết kiệm nước...

Để chủ động trong công tác chống hạn vụ xuân những năm tiếp theo, các huyện, thành phố và Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi các xã đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất sớm đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi thuộc các trạm bơm các xã dọc sông Lô để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sản xuất trong mùa khô hanh. 

   Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục