Bài 2: Chưa thực sự chuyển biến về chất
Bài cuối: Thống nhất nhận thức, tập trung nguồn lực
Bài 1: Khẳng định vai trò của kinh tế tập thể
Sự “lột xác” của các HTX đã khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường. Các HTX hoạt động đúng luật, vốn quỹ tăng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn các khâu dịch vụ sản xuất, phát triển nhiều sản phẩm chất lượng cao vươn ra thị trường lớn. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là xây dựng nông thôn mới.
Không còn “đánh kẻng, chấm công”
Đến tháng 6-2022, toàn tỉnh đã phát triển được 554 HTX với 11.429 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 1.091 tỷ đồng. Với cơ chế, chính sách của tỉnh, kinh tế HTX có những bước chuyển biến tích cực. Đã có 160 HTX thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX với đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó có 148 HTX hoạt động trên lĩnh vực phi nông nghiệp, dịch vụ. Trong giai đoạn 2017 - 2021, kinh tế tập thể nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012.
Là HTX truyền thống, HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành (TP Tuyên Quang) là một trong những HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 hiệu quả nhất. Anh Lê Đình Trung, Giám đốc HTX cho biết, năm 2015, HTX đã củng cố lại, hoạt động theo luật, các thành viên góp vốn điều lệ 150 triệu đồng, sửa đổi lại điều lệ HTX, xây dựng kế hoạch tổ chức lại hoạt động các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ bảo đảm phục vụ 519 thành viên. Theo anh Trung, hoạt động của HTX bây giờ như doanh nghiệp trên thị trường, phải cạnh tranh mạnh mẽ, không những lo đầu vào mà còn phải bảo đảm đầu ra cho các thành viên HTX, không thể hoạt động theo cung cách “đánh kẻng, chấm công” như ngày xưa nữa.
Nông dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) liên kết trồng dưa chuột với HTX Chăn nuôi
và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương).
“Vựa” rau sạch của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành cung ứng đều đặn sản phẩm ra thị trường. Ông Lê Đình Thanh, thành viên HTX cho biết, HTX tìm được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên xã viên yên tâm sản xuất, không lo giá cả lên xuống phập phù nữa. Hiện ông Thanh trồng 1,5 mẫu rau các loại, mỗi ngày thu trung bình từ 700 - 800 nghìn đồng.
HTX Nông Lâm nghiệp Phúc Sơn (Lâm Bình) thành lập năm 2012 với 29 thành viên, vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng. Hiện nay, HTX có cơ cấu tổ chức bộ máy vừa quản lý vừa điều hành. Hội đồng quản trị có 3 người, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc, với tổng số 1.481 hộ thành viên, hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Sản phẩm chủ lực của HTX là lạc vỏ, lạc nhân, tinh dầu lạc có tiềm năng để trở thành hàng hóa tham gia chuỗi giá trị, sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn có chứng nhận chất lượng sản phẩm VietGap, GlobalGap và hữu cơ. Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Phúc Sơn cho biết: Hàng năm, HTX tổ chức ký hợp đồng với công ty cây giống, vật tư nông lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang và các doanh nghiệp cung ứng phân bón các loại và thuốc trừ sâu cho sản xuất nông sản của thành viên HTX và các hộ gia đình trên địa bàn xã. Đồng thời, thực hiện bao tiêu sản phẩm, mỗi năm xấp xỉ 300 tấn lạc tươi cho thành viên, hộ nông dân, cung ứng cho tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, về cơ bản các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX thành lập mới hoạt động theo luật, có chiến lược phát triển, lựa chọn sản phẩm chuyên doanh nên đã phát huy được vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường.
Hình thành chuỗi liên kết
Với nhiều nỗ lực từ các cấp, ngành, HTX, đến nay, toàn tỉnh có 49 hợp tác xã với 62 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 30 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Toàn tỉnh có 147 HTX (chiếm 36,2% tổng số HTX nông nghiệp) thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ 20 sản phẩm nông sản, gồm: Cam, chè, mía, lạc, lúa, rau, bưởi, trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt, gỗ rừng trồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiêu thụ qua liên kết.
Thực hiện mô hình liên kết, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã ký hợp đồng với 20 HTX và tổ hợp tác cung ứng trên 400 con trâu, bò thịt nuôi vỗ béo, đồng thời cam kết chính sách cung ứng thức ăn chăn nuôi đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm sau khi kết thúc thời gian chăn nuôi. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các địa phương trồng ngô sinh khối với trên 300 ha tại hơn 100 hộ dân.
Nuôi bò vỗ béo của anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành (Hàm Yên).
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, 2 năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp lại nên việc liên kết không thực hiện được như mong muốn. Hiện HTX còn tổng đàn trâu bò 800 con, HTX đang cùng với Liên minh HTX tỉnh liên kết với Liên minh HTX Hà Nội tổ chức xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, hướng tới thực hiện song song 2 kênh tiêu thụ sản phẩm là thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Khi thị trường ổn định sẽ tạo thêm liên kết mới để phát triển đàn trâu, bò lên khoảng 2.000 con.
Mô hình liên kết trồng dưa chuột được người dân và HTX Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) triển khai từ cuối năm 2019 với 3,5 ha, sau khi phát triển cho hiệu quả kinh tế đã nhân rộng ra 18 xã trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, mô hình sẽ phát triển lên 200 ha và sẽ duy trì trong 18 xã. Thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt, gấp 3 lần so với trước đây. Hơn 1.000 người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã được tạo công ăn việc làm. Chị Trần Thị Quế, thôn Bắc Triển, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) cho biết, năm 2020, gia đình chị trồng 2,5 sào dưa cung cấp cho HTX Minh Tâm, trừ chi phí, lãi 8 triệu đồng/sào/vụ. Không riêng chị Quế, hiện thôn Bắc Triển có 26 hộ đang liên kết với HTX, trồng trên 3,6 ha dưa chuột.
Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thực hiện nhiều mô hình trình diễn giống cây trồng mới nhưng đều thất bại. Từ khi ký hợp đồng liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưa chuột với HTX Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, sản phẩm làm ra đã tiêu thụ ổn định.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm khẳng định, từ khi có hợp đồng liên kết đến nay HTX thu mua luôn ổn định ở mức giá thấp nhất là 4.000 đồng/kg dưa chuột. HTX cam kết dưa được thu hoạch đến đâu, bao tiêu hết cho bà con đến đó.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưa chuột giữa HTX Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm với các hộ nông dân, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập vừa thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; chuyển cách làm từ cá thể sang tập thể; tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX phát triển không chỉ đem lại thu nhập, việc làm cho xã viên mà còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất chuyên canh quy mô lớn, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Trang Tâm
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết