Phát triển kinh tế tập thể đúng hướng, hiệu quả, bền vững - Bài 2: Chưa thực sự chuyển biến về chất

- Bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn không ít các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) hoạt động chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đóng góp của kinh tế tập thể vào GRDP của tỉnh rất thấp.

Bài 1: Khẳng định vai trò của kinh tế tập thể

Bài cuối: Thống nhất nhận thức, tập trung nguồn lực

Hữu danh vô thực

HTX Công nghiệp dịch vụ nông nghiệp Hoàng Long, thôn Tân Lập, xã Đức Ninh (Hàm Yên) ra đời từ năm 2019. Theo giấy đăng ký kinh doanh, HTX hoạt động trên lĩnh vực thu mua sắn và chế biến bột sắn. Tuy nhiên không lâu sau đó HTX đã phá sản. Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, hiện HTX vẫn còn nợ đọng thuế với nhà nước, năm 2021 ngành Thuế đề nghị xã hỗ trợ thực hiện truy thu tuy nhiên không thể tìm được chủ thể để giải quyết. Do chủ thể đứng tên thành lập HTX chỉ mượn danh, địa điểm để thành lập và trong quá trình hoạt động không hiệu quả đã cao chạy, xa bay.

Cũng trên địa bàn xã Đức Ninh, HTX Phúc Hưng Thịnh, có địa chỉ ở thôn 21, nhưng khi tìm đến địa chỉ thì không có trên thực tế.

Hợp tác xã thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) phát triển nuôi cá lồng trên sông đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đó là những HTX hoạt động không hiệu quả và tự biến mất, gần đây một số HTX được thành lập chỉ để có tư cách pháp nhân nhằm mục đích tiếp cận nguồn vốn nhưng trên thực tế chưa có hoạt động hoặc HTX chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã  2012 nhưng thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ”, chưa chuyển biến về chất.

HTX Nông nghiệp Công Đa (Yên Sơn) dù đã được cải tổ với đa dạng hóa ngành nghề theo Luật Hợp tác xã mới, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại vẫn giậm chân tại chỗ. Theo ông Ma Thanh Quỳnh, Giám đốc HTX chia sẻ, hiện HTX chỉ duy trì được dịch vụ thủy lợi tức là bơm, tưới điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa của bà con. Còn dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp không thể thực hiện được do kinh doanh không hiệu quả. Giải thích về điều này, ông Quỳnh bảo, để bà con nông dân tin, sử dụng dịch vụ của Hợp tác xã, ông đã phải làm “Shipper” bất kể giờ giấc, vận chuyển từng cân giống, bao phân bón đến từng hộ dân, có những hộ đi 5 - 7 km. Ngặt một điều, kinh tế của người dân chỉ trông hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm bán mới có tiền trả, còn không sẽ nợ lại. Nhiều hộ nợ từ vụ này sang vụ kia, tiền điện thoại thúc, tiền xăng xe đi đòi nợ âm cả vào vốn còn đâu ra lời lãi. Vậy nên dù mở rộng ngành nghề dịch vụ song khó vẫn hoàn khó, ông Quỳnh thừa nhận.

Năm 2021, trong tổng số 536 HTX, có 312 HTX được đánh giá xếp loại, trong đó 129 HTX hoạt động khá, tốt, chiếm 24,1%; còn lại là hoạt động trung bình, yếu thậm chí là kém.

Đâu là nguyên nhân?

Trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ: bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được thực hiện tốt, nhất là tại cấp huyện như: công tác theo dõi, thống kê số liệu, việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã còn chưa đầy đủ, nghiêm túc, chưa xử lý giải quyết dứt điểm các HTX ngừng hoạt động và các HTX chưa thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các HTX về việc thực hiện pháp luật HTX, chế độ quản lý tài chính, việc xử lý và hướng dẫn xử lý các vi phạm pháp luật hợp tác xã còn hạn chế.

Các tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, hoạt động phần lớn còn mang tính tự phát, thời vụ, không ổn định, trình độ, năng lực thành viên chưa qua đào tạo chuyên môn, hoạt động chủ yếu theo kinh nghiệm nên thiếu tính bền vững. Khó khăn trong việc thống kê số lượng tổ hợp tác, số tổ hợp tác phát triển thành HTX còn ít. Theo quy định tại khoản 3, Điều 12 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10-10-2019 của Chính phủ về Tổ hợp tác thì các tổ hợp tác không phải thực hiện chứng thực hợp đồng hợp tác mà chỉ thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã để theo dõi, điều này làm cho công tác tổng hợp, theo dõi về số lượng tổ hợp tác còn chưa đầy đủ, chính xác.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công Đa vẫn chỉ duy trì dịch vụ thủy lợi phí mà không thể mở rộng được ngành nghề.

Trong khi đó, phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ (vốn hoạt động bình quân 2,2 tỷ đồng/HTX), tỷ lệ đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP của tỉnh ước thực hiện năm 2020 đạt trên 1,41%. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX còn thấp, doanh thu bình quân năm 2021 đạt 1 hơn tỷ đồng/HTX, lãi bình quân năm 2021 đạt 1 triệu đồng/HTX. 

Quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp dẫn đến không có vốn để các HTX tái đầu tư phát triển. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước, vốn vay tín dụng của các ngân hàng thương mại hạn chế. Thống kê của Liên minh Hợp tác xã, chỉ có 7,4% số HTX trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng. Lý do các HTX chưa xây dựng được dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi, hiệu quả, quy mô hoạt động của HTX còn nhỏ, vốn, tài sản ít, nhất là vốn điều lệ, vốn góp của các thành viên HTX. 

Ngoài những khó khăn này, thì tài sản cố định hay nói cách khác là đất đai của các HTX vẫn chưa thực sự rõ ràng để thế chấp vay vốn. Số HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ còn ít. Trong khi đó, số HTX có đất nhưng chưa được cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa có đất xây dựng trụ sở làm việc vẫn còn khá nhiều. Điều này đến từ chính chủ thể các HTX khi chưa chủ động để hoàn thiện các hồ sơ theo quy định của pháp luật để lập hồ sơ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Mặc dù luôn thiếu vốn để đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng hữu cơ, tuy nhiên HTX trái cây hữu cơ Phúc Ninh, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) không thể tiếp cận nổi nguồn vốn nào. Theo ông Tạ Hữu Quang, Giám đốc HTX chia sẻ lý do các tổ chức tín dụng từ chối nhu cầu của HTX vì dự án kinh tế chưa thực sự đảm bảo. Ông Quang giãi bày, sản xuất hữu cơ mới manh nha và phải mất 3 - 4 năm nên để chứng minh hiệu quả kinh tế ngay là không thể đối với HTX. 

Nhỏ về quy mô, khó về vốn, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý hợp tác xã cũng còn nhiều hạn chế, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... những hạn chế này nếu không được cải thiện, các hợp tác xã sẽ không thể phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay.

Bài, ảnh: Đoàn Thư
(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục