Khẳng định vị trí trong thị trường tài chính tam nông

- Ngày 26-3-1988, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) được thành lập. Trong suốt chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, Agribank đã khẳng định là ngân hàng thương mại hàng đầu trên địa bàn về quy mô và chất lượng hoạt động, đặc biệt trong thị trường tài chính tam nông.

Là một trong các ngân hàng thương mại Nhà nước đóng vai trò chủ lực của hệ thống ngân hàng, Agribank cùng ngành Ngân hàng có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển của tỉnh. Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Agribank Chi nhánh Tuyên Quang cho biết, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong trong việc thực thi nghiêm túc, hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhân viên Agribank Tuyên Quang hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Xác định rõ nguồn vốn là vấn đề sống còn để thực hiện kinh doanh và mở rộng tín dụng, Agribank luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, của Agribank Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành cân đối vốn, tạo quyền tự chủ cho các chi nhánh, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn vốn có mức lãi suất rẻ, thực hiện nghiêm túc kiểm soát việc tăng lãi suất huy động vốn để tránh tạo ra cuộc đua lãi suất, nhằm có điều kiện áp dụng lãi suất cho vay hợp lý hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, thực hiện triển khai có hiệu quả các sản phẩm dịch vụ mới để thu hút khách hàng. Với sự nỗ lực không ngừng, từ một ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn khiêm tốn, nay Agribank là ngân hàng nhất nhì hệ thống về các chỉ tiêu này. Cuối năm 2000 số dư của Agribank đạt 393 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên con số là 8.278 tỷ đồng, đến năm 2022, nguồn vốn đạt 9.790 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 9,5%, chiếm tỷ trọng 32% tổng nguồn vốn các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, trong đó dư nợ nông nghiệp, nông thôn trên 6.505 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ.

Agribank đã phối hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ thành lập các tổ vay vốn tại xóm thôn, bản và triển khai mô hình ngân hàng lưu động. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 1.400 tổ vay vốn được thành lập ở khắp các tổ, xóm, thôn, bản với 32.700 thành viên với số dư nợ đạt trên 2.700 tỷ đồng. Các tổ vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên nông dân, phụ nữ ở các thôn bản tiếp cận vốn vay ưu đãi để phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống. Việc cung ứng vốn kịp thời từ tổ vay vốn đã phát huy tiềm năng lao động và sáng tạo của người nông dân, tạo nên sức bật trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank, gia đình ông Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) từ hộ nghèo trở thành hộ có thu nhập cao của xã. Ông Lực chia sẻ, 6 năm trước gia đình nằm trong diện nghèo, may mắn được vay 500 triệu đồng từ Agribank Tuyên Quang ông đầu tư chăn nuôi, sản xuất cây giống và trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông có thu nhập cao điển hình tại địa phương, hiện mô hình kinh tế trang trại của ông Lực có doanh thu 3 tỷ đồng/năm.

Agribank Tuyên Quang ra mắt ngân hàng số Digital.

Giữ vững thị trường truyền thống, Agribank Tuyên Quang từng bước tham gia vào các dự án kinh tế lớn, góp phần vào sự tăng trưởng của tỉnh. Đầu tư tín dụng, Agribank cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích và đa dạng kênh phân phối, đáp ứng yêu cầu giao dịch thanh toán của khách hàng, nền kinh tế. Triển khai hiệu quả hoạt động tổ vay vốn, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng... tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính - ngân hàng, hạn chế tín dụng đen và đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Agribank Tuyên Quang cũng được đánh giá là ngân hàng tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, khi được Agribank Việt Nam chọn là 1 trong 17 chi nhánh toàn quốc triển khai mô hình Ngân hàng số Agribank Digital với những tiện ích giao dịch ngân hàng tự động.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank Tuyên Quang luôn phát huy trách nhiệm xã hội “Ngân hàng vì cộng đồng”, chỉ tính riêng trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, Agribank đã dành 15 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội để làm nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, công tác y tế, giáo dục...

Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Agribank Tuyên Quang khẳng định, Agribank tiếp tục thực hiện sứ mệnh với tam nông, đồng thời tập trung nguồn lực tham gia thực hiện các khâu đột phá, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục