Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
Không thể thay thế nhà báo
Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định, ChatGPT có rất nhiều hữu dụng, có thể hỗ trợ đắc lực cho nhà báo, các cơ quan báo chí truyền thông thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, tạo ra các bài viết, sản phẩm báo chí nhanh chóng, giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và nỗ lực trong việc thu thập thông tin. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát, khẳng định được tính “Đúng - Sai” khi khai thác các thông tin, dữ liệu từ ChatGPT, vấn đề bản quyền, đạo đức của người làm báo, nguy cơ lộ đề tài, ý tưởng, dữ liệu cá nhân… là những thách thức lớn đối với báo chí truyền thông.
Tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, sự ra đời của ChatGPT đã cho ra đời phương pháp truyền thông mới. Tuy nhiên nó không thể thay thế con người, các nhà báo trong việc sáng tạo ra các tác phẩm báo chí để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong hiện tại và cả tương lai. Bởi ChatGPT không thể thay thế được những thao tác nghề nghiệp. Nhà báo mới là người tạo ra dữ liệu, phản ánh chân thực cuộc sống. Do đó, để tận dụng những cơ hội do ChatGPT tạo ra, nhà báo cần trau dồi kiến thức, các kỹ năng chuyên môn, tận dụng tối đa công nghệ.
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Tham luận về sự cẩn trọng khi sử dụng ChatGPT tại hội thảo, Thạc sĩ Vũ Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, ChatGDP đáng để ứng dụng nhưng phải cẩn trọng. Tòa soạn, nhà báo nên tận dụng ChatGPT ở những công đoạn sáng tạo giản đơn và cần đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào sản xuất các tác phẩm báo chí có chất lượng. Chất lượng và sáng tạo sẽ luôn được tôn vinh và ngày càng được chú trọng để đảm bảo nhà báo là đối tượng không thể thay thế bởi bất kỳ công nghệ hay máy móc nào.
Theo quan điểm của Nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trung tâm Tin tức Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, ChatGPT sẽ không bao giờ làm được một tác phẩm có “tính con người” bao gồm cảm xúc, sự sáng tạo…Nhưng với những nhân lực mới, sinh viên mới ra trường, ChatGPT có thể là đối thủ cạnh tranh của các bạn, nếu các bạn không học hỏi nhanh, các bạn không thể thoát khỏi guồng quay phát triển của ChatGPT hay AI.
Thêm nhiều góc nhìn về ChatGPT
Hội thảo với sự tham luận sôi nổi, đầy tâm huyết, chuyên sâu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, diễn giả về công nghệ thông tin và báo chí đã cung cấp cho các lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo nhiều góc nhìn toàn diện, đầy đủ về bản chất của ChatGPT.
Nhà báo Trương Văn Chuyển, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo Cần thơ cho rằng, hội thảo rất kịp thời để định hướng cho các cơ quan báo chí cả nước và nhà báo sử dụng ChatGPT như thế nào một cách hữu ích nhất cho công việc; những công đoạn nào nên ứng dụng và điểm cần lưu ý khi sử dụng công cụ này để là người sáng suốt đối với ChatGPT.
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, hội thảo có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo để từ đó có sự chỉ đạo, bắt đầu xây dựng khung pháp lý, khắc phục được những nhược điểm, thách thức nếu như thiếu hiểu biết về ChatGPT. Hội thảo là dịp để nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia được thảo luận, phân tích về những vấn đề đặt ra như vấn đề về an ninh thông tin trên mạng xã hội, lộ đề tài, lộ thông tin, vấn đề về chuyển đổi số cũng như hành lang pháp lý khi sử dụng ChatGPT trong quá trình tác nghiệp.
Diễn giả phát biểu trả lời câu hỏi của đại biểu dự hội thảo.
Theo Tiến sĩ Trần Quang Diệu, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hội thảo đã giúp nhà báo nhận thức rõ hơn hai vấn đề. Thứ nhất là tác động công nghệ, nhất là ChatGPT đối với nghề nghiệp của mình và sức mạnh của công nghệ, ảnh hưởng của nó đối với báo chí truyền thông.
Còn Nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trung tâm Tin tức Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Hội thảo đã đi vào nội dung hết sức cần thiết. Tôi đánh giá cao về việc đặt vấn đề rất cụ thể cả hai mặt cơ hội và thách thức của một công nghệ mới là ChatGPT có khả năng thay thế một số công việc cơ bản trong báo chí. Tôi chắc chắn rằng, sau hội thảo này, các khách mời tham dự, các đồng nghiệp báo chí của tôi sẽ có đủ kiến thức, kinh nghiệm để làm chủ công nghệ này nhằm hỗ trợ tối ưu cho sự nghiệp báo chí cả nước”.
Ông Khổng Chí Nguyện, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Tân Trào cho rằng, đây là hội thảo mang lại nhiều giá trị đối với báo chí - truyền thông, nhất là phân tích sâu sắc những mặt được và hạn chế, khuyết điểm của ChatGPT, những nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng ChatGPT một cách hồn nhiên trong báo chí.
Hội thảo “ChatGPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và thách thức” là hội thảo đầu tiên liên quan đến lĩnh vực truyền thông và được tổ chức ở một cơ quan báo Đảng địa phương là Báo Tuyên Quang nhưng được truyền hình trực tiếp trên Báo Tuyên Quang online và các nền tảng xã hội như Fanpage, Youtube của Báo Tuyên Quang. Bởi vậy, hội thảo có ý nghĩa quan trọng với người làm báo cả nước trong việc ứng dụng hiệu quả công cụ ChatGPT vào quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.
Gửi phản hồi
In bài viết