Vở kịch hát “Bình Minh Đỏ” mang đến những khoảnh khắc xúc động cho người xem. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Dự lễ có các đồng chí: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các cựu chiến binh, thương, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân các gia đình liệt sĩ, thương binh và đông đảo quần chúng nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bày tỏ: “Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để một lần nữa vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở Truông Bồn vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cho phép tôi, được thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân, và với tư cách cá nhân, một người con của quê hương Nghệ An Xô viết anh hùng, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của 13 liệt sĩ Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An, đã hy sinh cao cả vào sáng 31/10/1968, cũng như hàng nghìn liệt sĩ của các đơn vị bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, nhân dân xã Mỹ Sơn và các địa phương khác, đã dâng hiến tuổi xuân, không tiếc thân mình để san lấp những hố bom, để huyết mạch giao thông trên con đường chống Mỹ luôn được thông suốt, nêu tấm gương nghĩa liệt muôn đời”.
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng và sự hiếu học của nhân dân Nghệ An thời kỳ nào cũng nổi bật. Đây là nơi sinh ra những nhà văn hóa lỗi lạc, những anh hùng, hào kiệt làm rường cột cho quốc gia. Khi tiền tuyến, lúc hậu phương, khi vừa tiền tuyến vừa hậu phương, Nghệ An bao giờ cũng là điểm tựa vững vàng trong mọi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm…
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Chương trình. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Khi Đảng ta mới ra đời, Nghệ An đã phất cờ hưởng ứng, làm nên một cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh lừng danh, thành lập chính quyền công nông, là một cuộc tập dượt để 15 năm sau, giành chính quyền trên cả nước trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghệ An vừa là hậu phương, lại vừa là tiền tuyến. Từ Hoàng Mai đến Bến Thủy, có thể nói, không có địa danh nào không là trọng điểm đánh phá của không quân và hải quân Mỹ. Chỉ riêng ở Truông Bồn tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968, không lực Mỹ đã trút xuống nơi này gần 2.700 quả bom các loại. Trong lửa đạn, Khu Bốn cũ, trong đó có Nghệ An, là cái nôi tôi luyện nên những con người kiên cường bất khuất.
Đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Điều xúc động sâu xa ở Truông Bồn là sự lựa chọn lịch sử, là sự dám chết khi con người đã được thấy con đường sống với sứ mệnh đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ sáng 31/10/1968, chỉ đến 0 giờ ngày 1/11/1968 là ngừng bắn, là hòa bình ở miền bắc. Trong tay các anh chị Thanh niên xung phong ở Truông Bồn ngày ấy là những giấy gọi nhập học của các trường chuyên nghiệp, là những quyết định xuất ngũ đã ký…Phía trước là đám cưới. Tương lai là những giảng đường… Thế nhưng các chị không về để lỡ cuộc đưa dâu, các anh ở lại với đất mẹ Truông Bồn để lỡ một tương lai cá nhân tươi đẹp! Khi trái tim lắng nghe đòi hỏi của chiến trường, tất cả đã ở lại mặt đường để không thể lỡ những chuyến hàng vào nam, không lỡ tình đồng đội keo sơn, cho ngày miền nam giải phóng, cho ngày thống nhất non sông không lỗi hẹn!
Những tấm thân làm cọc tiêu cho xe qua ngày ấy; những tấm thân đã ngã xuống trong loạt bom tọa độ ác nghiệt trong ngày cuối của chiến tranh, chỉ trước vài giờ ngày ngừng bắn có hiệu lực, mãi mãi trở thành cọc tiêu cho đất nước, quê hương biết đi về đúng hướng; cho thế hệ mai sau biết đứng thẳng làm người!.
Mỗi dịp kỷ niệm về Truông Bồn, là một dịp tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hiến dâng máu xương mình cho Tổ quốc. Lòng biết ơn ấy cần phải được biến thành lẽ sống cao đẹp trong các thế hệ mai sau, thành những hành động cách mạng cụ thể, làm cho lý tưởng của Đảng, khát vọng của nhân dân được hiện thực hóa trên khắp mọi miền quê hương, đất nước.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, những người làm Báo Nhân Dân nguyện sát cánh cùng Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, sát cánh cùng đồng bào cả nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011); thực hiện bằng được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng quan hệ xã hội nhân ái, nhân văn đậm đà bản sắc dân tộc...
Nhân dịp này, chúng ta càng nhớ về Bác Hồ, nhớ những lời Bác căn dặn trong dịp về thăm quê lần thứ hai năm 1961 và trong bức thư cuối cùng gửi Đảng bộ Nghệ An ngày 21/7/1969. Đó là: “Đồng bào và cán bộ cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong tỉnh khá nhất ở miền bắc”.
Tại buổi lễ, các đồng chí Lương Cường, Lê Quốc Minh trao tặng 10 nhà tình nghĩa cho 10 gia đình chính sách, trị giá 100 triệu đồng/nhà. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Doãn Anh, Trung tướng Tư lệnh Quân khu 4; Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã tặng 33 sổ tiết kiệm cùng các phần quà cho đại diện thân nhân 13 Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn, cùng đại diện các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Ban Tổ chức còn tặng 20 triệu đồng cho Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn và tặng hoa cho các nhà tài trợ.
Phần thứ hai là chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn – Bản hùng ca huyền thoại" gồm tiết mục mở màn: Thương về xứ Nghệ cùng chương 1: Vở kịch nói: Bình minh thao thức và chương 2: Truông Bồn – khát vọng hoà bình do các nghệ sĩ Trung ương và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An thực hiện.
Chương trình nghệ thuật đã đưa chúng ta trở về những năm tháng khốc liệt qua những câu chuyện sinh động, mô tả sự hồn nhiên mà kiên cường, sự vất vả mà kiêu hùng của con người có thân hình nhỏ bé ấy qua những vở kịch ngắn, những ca khúc đi cùng năm tháng để phần nào lý giải sức mạnh nào đã giúp họ có thể sống, chiến đấu và chiến thắng trước sự hủy diệt của bom đạn quân thù.
Trước lễ kỷ niệm, các đồng chí Lương Cường cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu và lãnh đạo Báo Nhân Dân, tỉnh Nghệ An dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn và tại khu mộ 13 Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong..
Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa khốc liệt nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết