Nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu trên địa bàn huyện, trước đây, mỗi gia đình đều có khung cửi, con gái đến tuổi trưởng thành đều được dạy thêu để lưu truyền lại nghề truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện chỉ còn khoảng 300 người biết dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tày và Pà Thẻn, trên 200 người biết thêu của đồng bào dân tộc Dao và Mông, trên 30 người biết vẽ sáp ong lên thổ cẩm. Số người biết thêu, dệt chủ yếu từ độ tuổi trên 40, thế hệ trẻ không biết nhiều và có nguy cơ mai một từ hoa văn, chất liệu sợi và tính hữu dụng trong hàng ngày. Vì vậy, để bảo tồn và phát triển, huyện Lâm Bình đã triển khai thành lập nhóm dệt thổ cẩm tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can với 13 thành viên.
Thành viên nhóm công nghệ dệt và thiết kế thời trang (Hà Nội) tách go lắp vào khung cửi
cải tiến cho các thành viên nhóm dệt thổ cẩm.
Bà Lộc Thị Chiến, nhóm phó nhóm dệt thổ cẩm cho biết, khi biết huyện thành lập nhóm dệt thổ cẩm bà đã tự nguyện xin tham gia. Bà mong muốn với những chính sách mới của huyện về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa của địa phương, nghề dệt thổ cẩm sẽ phát triển và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.
Thực hiện bảo tồn và phát triển nghề dệt, UBND huyện Lâm Bình đã mời những đơn vị chuyên về công nghệ dệt khảo sát và hướng dẫn người dân công việc cụ thể để có nhiều tác phẩm đẹp, hữu dụng. Chị Ma Thị Xoa, thành viên nhóm dệt thổ cẩm cho biết, nhóm công nghệ dệt và thiết kế thời trang (Hà Nội) đã tặng cho nhóm 2 khung cửi để cải thiện công việc và dệt được nhanh hơn. Hướng dẫn các thành viên trong nhóm thay sợi bông truyền thống sang sợi bông nhỏ, mỏng để tạo ra các sản phẩm hữu dụng hơn. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm được định hướng, thống nhất mẫu thiết kế các sản phẩm như: chăn đắp, áo, mũ, váy, địu, khăn, túi xách và những đồ dùng trang trí.
Theo nội dung của biên bản ký kết hợp tác với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ngoài tập trung bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, huyện Lâm Bình còn tập trung bảo tồn và phát triển nghề nấu rượu ngô men lá, khôi phục nghề làm đàn Tính của dân tộc Tày và làm khèn, sáo dân tộc Mông của Lâm Bình; phát triển nghề mây, tre, lá của người Tày, Dao. Thời gian tới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện sẽ khuyến khích các mô hình bảo tồn nghề dệt thổ cẩm theo hướng bảo tồn truyền thống về chất liệu, hoa văn, sợi dệt, khung dệt, kết hợp với thời trang hiện đại. Bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm cho biết, trung tâm sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao trình độ, tay nghề cho người dân trong thêu, dệt, vẽ sáp ong.
Với định hướng đúng đắn và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, những nghề truyền thống của huyện Lâm Bình sẽ ngày càng có chỗ đứng và thu hút được nhiều người tham ra. Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, thu hút du khách, người dân có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết