“Phao cứu sinh” cho người lao động

- Với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp ổn định cuộc sống, sớm tìm lại việc làm, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang là “phao cứu sinh” cho người lao động khi gặp khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Sau hơn 11 năm triển khai BHTN trên địa bàn tỉnh, chính sách này đang được người lao động đón nhận, tham gia tích cực. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.315 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia BHTN. 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho 3.506 lao động với số tiền trên 38 tỷ đồng (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, tỉ lệ lao động làm việc ngoài tỉnh về quê đăng ký hưởng BHTN chiếm hơn 76%. Tuy số lượng tăng song 100% hồ sơ được giải quyết và trả kết quả cho người lao động theo giấy hẹn trong thời hạn quy định. Trung tâm cũng duy trì 5 Văn phòng giải quyết BHTN tại các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình giúp người lao động rút ngắn khoảng cách, thời gian giải quyết đề nghị hưởng trợ cấp.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn cho người lao động thủ tục hưởng BHTN.

Vừa qua, chị Lý Thị Hải, nhân viên Công ty TNHH SamSung Display Việt Nam, Bắc Ninh đã đến làm thủ tục hưởng chế độ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. 2 năm làm nhân viên hành chính nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của Công ty bị ảnh hưởng nên chị phải nghỉ việc không lương. Do vậy, chị về quê và đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và mong muốn tìm kiếm một công việc mới phù hợp. Được cán bộ ở đây tư vấn, chị nhanh chóng hoàn thiện mọi thủ tục. Chị bày tỏ, trong khi chưa có việc làm, BHTN đã hỗ trợ cho chị không chỉ về tiền mà quan trọng là tư vấn việc làm mới, hỗ trợ đào tạo nghề nếu chị có nhu cầu, giúp chị yên tâm phần nào.

Anh Lâm Đại Phương, xã Trường Sinh (Sơn Dương) làm công nhân tại Công ty TNHH Viet Nam Buwon, Bắc Ninh. Cũng do dịch bệnh nên anh quyết định trở về quê chờ qua dịch sẽ tìm công việc mới. Sau khi chốt sổ BHXH, anh đến Văn phòng giải quyết BHTN tại huyện Sơn Dương để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp anh được hơn 4 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng 7 tháng đã giúp anh trang trải phần nào cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, qua tìm hiểu anh quyết định đăng ký học nghề lái xe hạng C tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ do Trung tâm giới thiệu. Thời gian học nghề 5 tháng, tiền học nghề anh được hỗ trợ 70%. Sau khi học nghề, anh được Trung tâm giới thiệu đến Công ty TNHH Giày Chung Jye (Sơn Dương) làm việc theo đúng sở trường. Anh nhận thấy, trong lúc chờ hết dịch bệnh và tìm công việc mới, không có thu nhập, BHTN thực sự là “phao cứu sinh” cho anh lúc khó khăn này.

Cùng với đó, Trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp trong suốt quá trình hưởng trợ cấp. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 35.000 lượt người, hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho trên 150 trường hợp. Các ngành nghề, công việc được hỗ trợ như: Điện tử, giày da, may mặc, sản xuất gỗ… Đơn vị cũng mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho người lao động thất nghiệp đủ điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, đơn vị luôn đề ra mục tiêu đảm bảo mọi người đến đây đều được giải quyết chế độ nhanh nhất và được tư vấn nghề để họ sớm tìm được việc làm phù hợp; tư vấn cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện liên tục, khuyến khích không giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, đơn vị cũng đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan như BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh trong việc gửi hồ sơ qua đường bưu điện công ích và chi trả chế độ qua thẻ đảm bảo công tác phòng dịch.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục