Theo đồng chí Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hàng năm nhà trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh mở lớp dạy văn hóa cho các em học sinh tốt nghiệp THCS đang theo học tại trường. Hiện tại, toàn trường có 12 lớp đào tạo nghề kết hợp học văn hóa. Trong đó có 8 lớp 10, 4 lớp 11 cho 859 em học sinh. Việc mở các lớp học liên kết ngay tại trường giúp tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh đi lại học tập bởi nhiều em hiện đang ở ký túc xá hoặc thuê nhà trọ gần trường. Đặc biệt, các em không phải di chuyển giữa 2 trung tâm để học tập, nhờ đó làm giảm các nguy cơ về mất an toàn giao thông.
Giờ học thực hành sửa chữa ô tô của sinh viên lớp Công nghệ ô tô K16A.
Chương trình dạy học văn hóa do giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Tuyên Quang phụ trách. Việc tổ chức học ngay tại trường cũng giúp các em dễ dàng bố trí lịch học xen kẽ giữa học nghề và học văn hóa. Bên cạnh đó, các em cũng được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách nhằm khuyến khích học tập như chế độ miễn giảm học phí, chính sách nội trú, học bổng khuyến học...
Việc học nghề song song với học chương trình THPT ngay tại trường giúp nhiều em học sinh sau khi hoàn thành chương trình học nghề có đủ điều kiện tham gia thi và lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Em Hoàng A Sình, 17 tuổi, dân tộc Dao tại thôn Nà Chác, xã Năng Khả (Na Hang) nói, hiện em đang học lớp Công nghệ ô tô K16A. Buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, em cùng các bạn sẽ tham gia học các môn văn hóa trên lớp và buổi chiều cùng nhau xuống xưởng để học thực hành. Đối với học phần học nghề, hiện em đã được học động cơ ô tô, điện ô tô. Đối với chương trình học văn hóa, em hoàn thành gần xong chương trình lớp 11. Việc tham gia học song song giữa văn hóa và học nghề cũng có khó khăn khi em vừa phải học tập và ôn luyện 2 môn khác nhau. Tuy nhiên em luôn cố gắng để hoàn thành mục tiêu của mình đó là vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng học nghề.
Sau khi tốt nghiệp THCS, em Thào Seo Trang, dân tộc Mông tại thôn Nặm Bó, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) mong muốn được học nghề để sớm tham gia thị trường lao động, giúp đỡ gia đình. Em chia sẻ, vì nhà xa và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học văn hóa ngay tại trường nghề đã giúp em cùng các bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại. Đặc biệt, vì học ngay tại trường nên chúng em cũng dễ dàng trao đổi lịch học với các thầy cô giáo để phân phối, bố trí thời gian học nghề, học văn hóa hợp lý.
Cô giáo Nguyễn Thu Huyền, Giáo viên môn Toán, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, chị đã tham gia giảng dạy văn hóa cho các em học sinh trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ được 3 năm. Theo chị, việc dạy học ngay tại trường nghề có nhiều thuận lợi cho các em học sinh như số lượng bộ môn văn hóa sẽ được giảm bớt đảm bảo nhu cầu thực tiễn, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành... Đặc biệt cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học được đảm bảo, tạo điều kiện cho các em hoàn thành tốt chương trình học phổ thông. Ngoài việc dạy văn hóa chị cũng truyền cảm hứng để các em nỗ lực học tập. Các em cũng được hướng dẫn rèn luyện để tăng cường các kỹ năng sống, nâng cao ý thức của bản thân, nuôi dưỡng ý chí phấn đấu để trở thành người công dân có ích cho xã hội...
Trong thời gian tới, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất để các em duy trì học văn hóa song song với học nghề ngay tại trường. Cùng với đó tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết