Nỗ lực triển khai
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình được giao thực hiện 5 chương trình cho vay, trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được triển khai, thực hiện hiệu quả. Ông Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, để nguồn vốn nhanh chóng đến đối tượng thụ hưởng, chi nhánh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các huyện rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng, đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách đến các cấp, ngành và người dân biết để thực hiện và tiếp cận nguồn vốn đảm bảo công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Chi nhánh đã chỉ đạo sát sao Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tham mưu UBND huyện phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách vay vốn làm cơ sở triển khai cho vay theo quy định.
Người dân xã Thượng Lâm (Lâm Bình) làm thủ tục vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Lâm Bình theo Nghị định 28.
Để triển khai tốt chương trình cho vay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đặc biệt là các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản hỗ trợ các tổ viên thông qua việc bình xét những hộ có đủ điều kiện. Từ đó, giúp các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn này có cơ hội làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập.
Đồng chí Lê Thế Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Lâm Bình cho biết, để triển khai cho vay hiệu quả chương trình, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban có liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn, tổ chức hội nhận ủy thác rà soát đối tượng thụ hưởng, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình cho vay kịp thời đến người dân. Đến nay đã có 262 hộ nghèo trên địa bàn được vay vốn ưu đãi để làm nhà, với tổng dư nợ trên 13,8 tỷ đồng.
Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên
Gia đình anh Nguyễn Văn Thời, tổ dân phố Đon Bả, thị trấn Lăng Can là một trong số nhiều hộ nghèo ở huyện Lâm Bình được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định 28. Anh Thời cho biết, là hộ nghèo, toàn bộ thu nhập của gia đình anh phụ thuộc vào 3.000 m2 ruộng nên ước mơ về ngôi nhà kiên cố vẫn dang dở từ nhiều năm nay. Cuối năm 2023, gia đình anh được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình cho vay 50 triệu đồng, cùng số tiền hỗ trợ vay mượn của anh, em họ hàng, ngôi nhà mới khang trang với diện tích gần 100 m2 đã được hoàn thành. Dọn vào sống trong ngôi nhà mới, gia đình anh thêm yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống, hoàn thành nghĩa vụ trả khoản vay với ngân hàng.
Còn tại xã Hồng Quang (Lâm Bình), tính đến thời điểm cuối tháng 6-2024, trên địa bàn xã đã có 31 hộ được vay vốn làm nhà theo Nghị định 28 (nhiều nhất so với các xã trên địa bàn huyện Lâm Bình), với tổng dư nợ trên 1,2 tỷ đồng. Phần lớn các hộ vay vốn từ chương trình này đều đã xây xong và bắt đầu vào ở trong ngôi nhà mới.
Niềm vui trong ngôi nhà mới của anh Nguyễn Văn Thời (người giữa), tổ dân phố Đon Bả, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).
Đồng chí Phạm Cao Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang cho hay, Hồng Quang là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Bình, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Mặc dù những năm gần đây, huyện đã quan tâm hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở thông qua các chương trình “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà nhân ái”…, nhưng vẫn còn nhiều hộ trong xã sống trong nhà tạm, dột nát. Nguồn vốn ưu đãi cho vay với mức 40 triệu đồng/hộ, với thời gian 15 năm, theo Nghị định 28 đã góp phần tiếp sức cho nhiều hộ nghèo trong xã hiện thực hóa nguyện vọng xây dựng nhà ở kiên cố.
Có thể thấy, cho vay làm nhà ở theo Nghị định 28 là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ước mơ có ngôi nhà mới khang trang, kiên cố đã thành hiện thực và đây cũng chính là động lực giúp người dân trên địa bàn huyện Lâm Bình tập trung lao động sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết