Tạo động lực cho nhiều hộ nghèo vươn lên
Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc nội dung của Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025, xã Thổ Bình hiện đang triển khai hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của đồng bào DTTS, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào.
Gia đình bà Ma Thị Nhớp, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được nhà nước hỗ trợ téc nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Năm 2023, gia đình bà Ma Thị Nhớp, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình được nhà nước hỗ trợ téc nước để chứa nước sạch. Téc nước có dung tích 1.000 ml, trị giá 3 triệu đồng. Trước đây, dụng cụ trữ nước chỉ là bể xi-măng, không được vệ sinh thường xuyên. Cùng với đó, gia đình lấy nước lần từ trên núi, mỗi khi trời mưa, nước từ đầu nguồn bị đục, bẩn nên việc sử dụng nước sạch của cả gia đình bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Từ khi có téc chứa nước bằng inox của Nhà nước hỗ trợ, hàng ngày gia đình bà đều có nước sạch để sử dụng, không lo mỗi khi mưa bão, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình.
Nhằm hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân vùng khó, ngày 26-4-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Theo Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao thực hiện 5 chương trình cho vay gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở, cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Anh Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho biết, thực hiện Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Giao dịch đã triển khai chương trình cho vay hỗ trợ đất ở thuộc Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn. Ngay từ khi triển khai thực hiện, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ dân có nhu cầu vay vốn mua đất ở, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, qua đó, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Anh Nguyễn Văn Thời, tổ dân phố Đon Bả, thị trấn Lăng Can chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình cho vay theo Nghị định 28 của Chính phủ thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho vay 50 triệu đồng, gia đình đã vay mượn thêm để làm được căn nhà xây mới, mái lợp tôn chắc chắn, đến nay công trình đã hoàn thành, giúp gia đình ổn định cuộc sống, làm ăn phát triển kinh tế.
Bằng nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình, nhiều hộ dân trên địa bàn có điều kiện đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Vẫn còn những khó khăn
Năm 2024, huyện Lâm Bình được giao trên 157 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến hết tháng 6 toàn huyện đã giải ngân được trên 66 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch vốn. Tuy đạt kết quả được đáng khích lệ, song nhìn chung vẫn còn những khó khăn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vẫn còn chậm.
Đồng chí Giàng Seo Dính, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết: Nguyên nhân chậm giải ngân do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, khả năng huy động vốn khó, nên việc xã hội hóa các công trình phúc lợi xã hội thực hiện rất hạn chế. Văn bản hướng dẫn một số dự án, tiểu dự án chưa cụ thể, khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lâm Bình: Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, huyện Lâm Bình tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân và thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình được đầu tư. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết