Vườn dược liệu của thành viên HTX thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An.
Từ những chia sẻ, chỉ đạo đó của Bộ trưởng, đến nay trên địa bàn huyện Lâm Bình đã hình thành một số mô hình trồng cây dược liệu gắn với kinh tế vườn đồi và trồng cây dược liệu dưới tán rừng, bắt đầu mang lại hiệu quả.
Là người đã có nhiều năm kinh doanh dược liệu, đã đi nhiều tỉnh, thành phố tìm địa điểm phát triển mô hình trồng cây dược liệu, khi đến Lâm Bình, anh Hoàng Quốc Thanh (ở thành phố Hồ Chí Minh) đã nhận thấy mảnh đất này rất phù hợp trồng cây dược liệu. Anh đã quyết định đầu tư trồng 5 ha dược liệu dưới tán rừng tại thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên và thành lập Công ty TNHH Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình.
Anh Thanh cho biết, Lâm Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng và du lịch, trong những cánh rừng nguyên sinh có không ít loài cây dược liệu quý chưa được nhân lên thành vùng nguyên liệu. Sau nhiều năm người dân chỉ thu hoạch không tái tạo hay nhân giống khiến nhiều loại cây dược liệu có nguy cơ tiệt chủng. Lâm Bình hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng, từ chất đất chưa bị tác động bởi thuốc hóa học, phân bón hóa học đến nguồn nước sạch. Rừng nguyên sinh với đa dạng hệ sinh thái và đặc biệt nơi đây như kho dược liệu với nhiều loài dược liệu quý hiếm như khôi nhung, hương thảo, trinh nữ hoàng cung, cỏ ngọt, hà thủ ô, ba kích, thất diệp nhất chi hoa, sâm... “Mục đích của tôi là khôi phục cây dược liệu quý và cây đặc sản của rừng Tuyên Quang. Một phần sản phẩm sẽ được bán cho du khách, còn lại cung ứng ra thị trường. Chúng tôi hướng tới thành lập HTX vừa sản xuất vừa làm du lịch vườn rừng tại đây. Du khách đến thăm có thể chọn gốc cây thuốc quý hay sâm nam trong vườn và tự thu hoạch. Đó sẽ là trải nghiệm rất thú vị” - anh Thanh chia sẻ.
Theo anh Thanh, có thể trồng khoảng 3 nghìn cây khôi nhung dưới tán 1ha rừng. Sau 1 năm trồng, diện tích này có thể cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn lá khô đạt giá trị khoảng 300 triệu đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Đây có thể là mô hình giúp người dân thoát nghèo bởi chi phí đầu tư phù hợp, thời gian sinh trưởng ngắn và quan trọng là người dân vừa kết hợp việc phát dọn dây leo, đồng thời trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng của Công ty TNHH Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình được chính quyền, địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Hiện nay tại địa bàn xã Phúc Yên có nhiều hộ dân cũng đang triển khai trồng dược liệu, tương lai sẽ thành lập vườn rừng dược liệu sạch.
Anh Hoàng Quốc Thanh (ngoài cùng bên phải) chỉ dẫn cây thuốc cho khách du lịch.
Được thành lập từ năm 2021, HTX thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An do anh La Văn Dũng làm giám đốc đã tập hợp 13 thành viên trồng gần 20 ha cây dược liệu bản địa như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, kim tuyến... Đây là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng các xã miền núi và đặc biệt có thể trồng dưới tán rừng, chi phí đầu tư không lớn mà đầu ra thuận lợi.
Anh Dũng cho biết, người Dao lưu truyền những bài thuốc từ cây dược liệu sẵn có trong tự nhiên. Trên cơ sở nhận khoán bảo vệ rừng các thành viên trong HTX tận dụng tán rừng tự nhiên trồng các cây dược liệu. Cây dược liệu sau thu hoạch sẽ không bán thô mà được đưa vào các bài thuốc gia truyền của các thành viên và bán theo thang để trị bệnh, do vậy hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Dũng có nghề bốc thuốc gia truyền, với việc trồng 7 ha dược liệu, nguồn nguyên liệu làm thuốc dồi dào, từ bán các bài thuốc gia truyền mỗi tháng gia đình anh thu lãi 40 triệu đồng. Các thành viên trong HTX cũng có thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng từ trồng cây dược liệu.
Anh Lý Văn Long, thôn Tát Ten, xã Bình An nhận giao khoán bảo vệ trên 50 ha rừng phòng hộ tại khu vực Bọ Chít, Bọ Choáng, xã Thượng Lâm. Nhận thấy thổ nhưỡng phù hợp với cây thảo quả anh trồng một phần diện tích thảo quả dưới tán rừng. Từ việc bảo vệ rừng và tận dụng phát triển kinh tế dưới tán rừng đã giúp gia đình anh có thu nhập từ 40-50 triệu đồng mỗi năm từ bán thảo quả.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình, hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Bình có gần 100 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với rất nhiều loại dược liệu được người dân lấy từ tự nhiên về trồng như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, thảo quả… Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 1 công ty, 2 HTX và tại các xã Thượng Lâm, Xuân Lập, Phúc Yên đã hình thành các nhóm sở thích trồng và phát triển kinh tế từ cây dược liệu dưới tán rừng.
Trên cơ sở xác định được tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu tại địa phương, huyện Lâm Bình đang xây dựng kế hoạch phát triển vùng dược liệu quy mô; hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng và tiến tới thành lập làng nghề thuốc truyền thống tại xã Phúc Yên. Phát triển triển cây dược liệu sẽ tạo thêm sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển du lịch - nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết