Khởi nghiệp tuổi 60
Là một hộ gia đình từng có cuộc sống khá giả từ nghề sản xuất và kinh doanh gạch đất sét nung bằng lò thủ công, tạo nhiều việc làm cho nhiều người lao động của địa phương, năm 2013, gia đình bà Thà đã chủ động tháo dỡ 4 lò gạch thủ công để thực hiện chủ trương chung của UBND tỉnh, góp phần nhanh chóng làm giảm tác động xấu của lò gạch thủ công đến môi trường và sức khỏe của nhân dân.
Phải từ bỏ một công việc đã gắn bó với mình từ lâu, bà Thà nhiều đêm mất ngủ. Nhiều câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu khiến bà phải trăn trở: Phải làm gì để có thu nhập cho gia đình khi bản thân không có đồng lương nào? Phải làm gì để tạo việc làm cho các con khi chúng ra trường không xin được việc? Bây giờ đã 60 tuổi thì làm được gì? ...
Một lần bà Thà về quê ở Hưng Yên chơi, tình cờ được một người họ hàng giới thiệu và đưa đến Thái Bình tham quan mô hình chăn nuôi hươu sao cho thu nhập tiền tỷ. Được chủ mô hình nhiệt tình giới thiệu về các quy trình nuôi, chăm sóc hươu, thu hoạch nhung hươu, bà thích lắm.
Bà Thà cho hươu ăn.
Bà nghĩ, mô hình này rất phù hợp với điều kiện gia đình lúc ấy. Sẵn có gần 2 mẫu đất vườn tạp và đất ruộng, vốn nuôi không quá cao, công việc chăn nuôi không quá nặng nhọc, phù hợp cho sức khỏe của chị và các con làm cũng không vất vả... Nghĩ đến đó, bà đã có câu trả lời thỏa đáng cho những trăn trở bấy lâu.
Giữa năm 2016, bà Thà mạnh dạn bỏ 120 triệu đồng mua 3 cặp hươu sao trưởng thành về nuôi. Sẵn có khu đất để không, bà dọn dẹp và quy hoạch lại. Để chủ động nguồn thức ăn cho hươu, bà giành 1 mẫu đất để trồng cỏ Voi, cỏ Ghi lê và 2 sào đất trồng ngô.
Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi các kỹ thuật chăn nuôi hươu trên mạng internet, trong sách báo, những con hươu của bà phát triển tốt đã bắt đầu cho khai thác nhung và sinh sản.
Nuôi hươu cho thu nhập cao
Bà Thà nhớ lại: “Năm 2017, khoảng 7 tháng sau khi bắt hươu về và cho phối giống, cả gia đình bà hồi hộp, thấp thỏm chờ đợi chú hươu đầu tiên sinh con. Và vỡ òa trong sung sướng khi nhìn thấy chú hươu con xinh xắn chào đời. Niềm vui cứ thế nhân lên khi lần lượt các con hươu còn lại đều “mẹ tròn con vuông”. Vậy là đàn hươu của bà có thêm 1 hươu đực và 2 hươu cái giống. Chỉ vài tháng sau, các con hươu đực cũng lần lượt cho khai thác nhung.
Lần đầu cắt nhung, gia đình bà còn bỡ ngỡ lắm nên đã phải nhờ những người nuôi hươu ở các phường lân cận đến trợ giúp. Cắt nhung hươu đòi hỏi phải có sức khỏe của 4-5 người. Vì bà sức khỏe đã yếu nên tất cả giao cho các con lo liệu. Chỉ sau vài lần quan sát và học tập kinh nghiệm, con trai bà đã có thể tự cắt nhung. Năm đầu tiên bà cắt được được 3 lạng nhung/cặp. Với giá bán 2 triệu đồng/lạng, bà thu được 18 triệu đồng. Có tiền bà lại về Phú Thọ tìm mua thêm 4 con hươu giống nữa.
Khi chúng tôi vào thăm chuồng hươu, đàn hươu nhút nhát chẳng khác gì những “đứa trẻ” gặp khách lạ. Chúng ngơ ngác, hốt hoảng chạy trốn. Sau khi được bà chủ mang thức ăn đến cho ăn, chúng lăng xăng chạy tới, lấm lét, sợ sệt, mon men từng tí một, rồi sà vào gần chủ, tranh nhau ăn những hạt ngô. Chúng tôi đứng thật im, bước thật nhẹ, nói chuyện thật khẽ để được ngắm nhìn những khoảnh khắc đáng yêu ấy lâu hơn.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đến tham quan mô hình phát triển kinh tế của bà Thà.
Vừa cho hươu ăn, bà Thà vừa chia sẻ, sau 6 năm “khởi nghiệp”, đàn hươu của bà ngày càng nhiều lên. Do bán hươu giống nên hiện trong chuồng chỉ còn 32 con hươu, trong đó có 12 con đực, 13 con cái bố mẹ, còn lại là hươu giống. Một con hươu 1 năm tuổi có giá bán từ 15 triệu trở lên. Hươu từ 3-6 tháng có giá 22-25 triệu đồng/cặp (đực và cái). Khách đến mua hươu giống chủ yếu là người trong tỉnh như: Kim Phú, Yên Sơn, Chiêm Hóa.
Hươu đực trưởng thành cho nhung một lần/năm. Để nhung có chất lượng tốt thì cần cắt trong khoảng từ 45-55 ngày sau khi vừa nhú. Trọng lượng của nhung sẽ lớn dần theo số tuổi của hươu và sau 7-8 năm tuổi sẽ ổn định với trọng lượng từ 7-8 lạng. Đây cũng là lúc nhung hươu tốt nhất. Nhung hươu rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe vì vậy cứ đến kỳ cắt nhung, cắt tới đâu là khách ở trong và ngoài xã truyền tai nhau đến mua hết đến đó. Từ việc bán nhung và bán hươu giống, bà Thà thu lãi trên 250 triệu đồng/năm.
Ngoài nuôi hươu, bà Thà còn nuôi thêm 20 con nhím, trồng 100 cây bưởi Diễn, 50 cây cam, mỗi năm thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Trên gương mặt đã hằn sâu nhiều “vệt thời gian”, bà Thà vẫn tâm niệm “làm giàu không kể tuổi”, chỉ cần dám nghĩ, dám làm, không ngừng nỗ lực và học hỏi thì ắt sẽ thành công.
Chị Phan Thị Hiển, Chủ tịch Hội LHPN xã Lưỡng Vượng đánh giá, bà Thà là hội viên phụ nữ tích cực ngay từ những khóa đầu tiên của chi hội phụ nữ thôn 4. Bà từng có 15 năm là chi hội phó phụ nữ thôn. Năm 2010, bà được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”. Bà Thà là tấm gương phụ nữ có mô hình kinh tế hiệu quả tiêu biểu của địa phương, là tấm gương mà nhiều chị em khác nên học tập. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt của bà đã được Hội LHPN xã giới thiệu và tổ chức để các hội viên khác đến tham quan, học tập.
Gửi phản hồi
In bài viết